Thứ Hai, 12 tháng 9, 2016

Xa trung tâm, vắng đầu tư, nông thôn rốt ráo đổi mới

Cho đến nay chúng ta vẫn chưa tạo ra các nguồn để phát triển sản xuất nhằm tăng thu nhập cho người nông dân.

LTS: Hôm 8/9/2016, Ban Kinh tế TƯ kết hợp với Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) và Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tổ chức Diễn đàn “Phát triển "Doanh nghiệp nông nghiệp trong tiến trình tái cơ cấu nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới".

Tuần Việt Nam đã phỏng vấn TS Đào Thế Anh, Phó Viện trưởng Viện Cây lương thực – Cây thực phẩm kiêm GĐ Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển hệ thống nông nghiệp về Chương trình Nông thôn mới.

Mô hình là sự kết hợp giữa (doanh nghiệp) DN và hợp tác xã (HTX), trong đó HTX tự sản xuất, còn DN đầu tư vào khâu sau thu hoạch, chế biến và phân phối. Nếu nhìn như vậy, con số DN đầu tư vào nông nghiệp sẽ khả quan hơn, chứ không dưới 1% như báo cáo nêu ra – TS Đào Thế Anh nhận định.

Tiếp tục đổi mới

Việt Nam đã có nhiều năm xây dựng nông thôn mới, nhưng cho đến nay vẫn chưa thành công như kỳ vọng. Theo các chuyên gia đó là do tiêu chí xây dựng nông thôn mới vẫn còn một số bất cập cần điều chỉnh thêm. Theo ông, những bất cập của Chương trình Nông thôn mới là gì?

Cho đến nay chúng ta vẫn ưu tiên huy động các nguồn vốn khác nhau để xây dựng cơ sở hạ tầng nông thôn. Nhưng một tiêu chí mà chúng ta vẫn chưa làm được là tạo ra các nguồn để phát triển sản xuất nhằm tăng thu nhập cao hơn cho người nông dân, trong đó có phát triển hợp tác xã, thu hút doanh nghiệp đầu tư vào nông thôn.

Như vậy, cần phải có một tầm nhìn rộng hơn nữa. Tức là chúng ta không chỉ thu hút DN từ bên ngoài vào nông thôn, mà phải khuyến khích khả năng kinh doanh ở trong nông thôn.

Khu vực DN nông thôn nên bao gồm cả HTX, bởi theo thống kê của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn số DN bên ngoài đầu tư vào nông thôn chỉ chiếm dưới 1% thôi. Trong khi theo Luật HTX kiểu mới (2012) thì HTX cũng là một đơn vị kinh doanh, họ lại gắn chặt với nông thôn và hiểu điều kiện nông thôn hơn, vì vậy khối các HTX cũng cần phải phát triển, và chúng ta cần có tư duy bất cứ ai cũng có thể kinh doanh ở môi trường nông thôn.

Một vấn đề nữa chúng ta chưa làm được như chỉ đạo của Trung ương trong Chương trình Nông thôn mới là môi trường nông thôn.

Hiện nay mật độ dân số trong các làng ở vùng đồng bằng rất lớn. Ở những vùng thâm canh ví dụ về chăn nuôi thì môi trường quá tệ hại. Việc thu gom và xử lý rác thải chưa làm được do thiếu cả công nghệ lẫn tổ chức thu. Cho tới nay chúng ta chưa đặt vấn đề môi trường nông thôn là điều đáng quan tâm.

Nông nghiệp, nông thôn, Nông thôn mới

Một tiêu chí mà chúng ta vẫn chưa làm được là tạo ra các nguồn để phát triển sản xuất nhằm tăng thu nhập cho người nông dân. Ảnh minh họa: vneconomy

Tình hình vi phạm an ninh trật tự và và các tệ nạn xã hội ở nông thôn cũng vậy. Hiện chưa có phương án xử lý các tệ nạn ở khu vực này gây ảnh hưởng rất lớn đến văn hóa nông thôn, làm xói mòn văn hóa nông thôn.

Do đó trong Chương trình Nông thôn mới tới đây cần phát huy tổ chức cộng đồng mạnh hơn. Ngày xưa trong các làng tổ chức cộng đồng quản lý làng, vai trò của trưởng thôn, trưởng bản rất tốt.

Hàng năm VCCI có làm đánh giá về môi trường kinh doanh nhưng chủ yếu tập trung vào các vùng công nghiệp, khu đô thị chứ chưa có đánh giá riêng về môi trường kinh doanh ở nông thôn. Ở thành phố DN khởi nghiệp được hưởng lợi về thông tin và được hưởng lợi trong tín dụng, nhưng ở nông thôn hoàn toàn không có.

Trong nông nghiệp, có lẽ DN đầu tư lớn nhất vào thủy sản và cà phê, đúng không ông?

Đúng vậy. Về lúa gạo nhà đầu tư chủ yếu vẫn là các hộ nông dân và HTX.

Còn câu chuyện dồn điền đổi thửa để có thể áp dụng công nghệ cao, kỹ thuật cao, ông có thể giúp tôi lý giải tại sao chúng ta nói mãi, bàn nhiều rồi mà vẫn còn nhiều việc cần làm?

Dồn điền đổi thửa chúng ta đã làm, nhưng chủ yếu mới làm trong lĩnh vực sản xuất lúa ở Đồng bằng sông Cửu Long. Chuyện này còn phụ thuộc vào việc thành lập các HTX.

Đối với Việt Nam vấn đề lớn hiện nay là làm thế nào nâng cao được chất lượng gạo, chứ không phải cố gắng tăng năng suất. Và để nâng cao được năng suất thì chỉ tập trung vào vấn đề dồn điền đổi thửa cũng chưa đủ đâu. Vì sau dồn điền đổi thửa, chúng ta còn phải có đơn vị quản lý phần đã đồn đổi xong đó về kỹ thuật để đảm bảo sự đồng bộ thì thị trường mới chấp nhận. Đơn cử chuyện hiện nay chúng ta dùng quá nhiều phân bón, thuốc trừ sâu và quá nhiều loại giống. Như vậy chi phí rất cao mà không hiệu quả, tăng ô nhiễm môi trường. Trong cả hai chuyện đó vai trò của HTX là rất quan trọng.

Ông có biết hiện nay mô hình HTX đã tổ chức thành công ở những đâu?

Ở Đồng Tháp. Mô hình tổ hợp tác phổ biến ở khu vực đồng bằng sông Cửu Long. Một số tổ hợp tác đã phát triển lên HTX.

Đầu tư vào trực tiếp sản xuất ít, vì chuyện đất đai

Vừa rồi ông nói trong trồng lúa chủ yếu là hộ nông dân và HTX làm. Nhưng tôi thấy từ nhiều năm trước đã có DN Nhật đã vào đây để sản xuất gạo bán cho người Nhật ở Việt Nam và Đông Nam Á. Tại sao DN mình không học cách làm như vậy?

DN Nhật chủ yếu là DN nhỏ đầu tư vào sản xuất gạo, làm chủ yếu dưới dạng trang trại thôi. Ví dụ ở An Giang có một DN Nhật thuê nông dân làm, nhưng bây giờ họ phải ký hợp đồng với các HTX.

Khó khăn lớn của DN khi đầu tư vào trồng lúa là đất đai, khó thuê lại diện tích lớn và giá rất cao. Nên chủ yếu, theo tôi, DN nên tập trung vào khâu sau thu hoạch và chế biến, còn khâu sản xuất vẫn phải liên kết với các HTX.

Nông nghiệp, nông thôn, Nông thôn mới

Đầu tư vào trực tiếp sản xuất thì ít, vì cản trở đất đai. Ảnh minh họa: DNSG

Những rào cản nào khiến cho nhà đầu tư lảng tránh nông nghiệp như vậy? Theo báo cáo của Bộ NN-PTNT tỷ lệ này vẫn dưới 1%.

Hãy nhìn vào cả chuỗi giá trị nông nghiệp sẽ có câu trả lời.

Đầu tư vào trực tiếp sản xuất thì ít, vì một số vấn đề đất đai. Ví dụ Vingroup rất mạnh về tài chính và họ tự phát triển rau an toàn, trong thời gian gần đây họ đi đến tỉnh nào cũng kiếm 100 – 200 héc ta. Nhưng họ phải thay đổi chiến lược, tức là hợp tác với các HTX. Vừa rồi họ công bố nhu cầu muốn làm ăn với 1000 HTX đó thôi.

Như vậy mô hình chuỗi kết hợp: HTX tự sản xuất, còn DN đầu tư vào khâu sau thu hoạch, chế biến và phân phối là khả quan. Nếu được như vậy, tôi nghĩ con số DN đầu tư vào nông nghiệp sẽ khả quan hơn, chứ không chỉ dưới 1% như báo cáo nói trên nêu ra.

Bộ NN-PTNT đã thống kê rằng có 280 chuỗi như vậy. Đơn cử các siêu thị lớn như Co-op Mart, Big C hay Lotte đã lên tận Lâm Đồng liên kết với các HTX và mở các trung tâm thu gom ở đó. Họ bỏ tiền vào đầu tư, và nhờ các HTX quản lý. Chính sự phát triển của các chuỗi đó sẽ thúc đẩy kinh doanh ở nông thôn, với nhiều HTX được mọc lên.

Áp tiêu chí không phù hợp sẽ gây lãng phí

Vẫn chuyện nông nghiệp, nông thôn. Ông đánh giá thế nào quanh 19 tiêu chí về Nông thôn mới được áp dụng chung cho 63 tỉnh thành? Tôi thấy áp dụng như vậy sẽ bất chấp sự khác nhau về địa lý, trình độ phát triển và tập tục của các vùng miền.

Chúng ta đặt ra 19 tiêu chí, nhưng sau đó có đề nghị phải đi đến các vùng miền để đánh giá lại. Tới đây Chương trình Nông thôn mới sẽ phải làm chuyện này.

Đúng là 19 tiêu chí đó áp mang dụng cho tất cả các vùng miền là không phù hợp. Khi thiết kế các tiêu chí này chúng ta mới thiên về đồng bằng, miền núi cần những tiêu chí khác.

E là nếu có những việc như vậy nếu không khắc phục kịp thời sẽ gây lãng phí tiền của?

Đúng vậy.

Vậy theo ông, bộ tiêu chí này nên được điều chỉnh thế nào?

Theo tôi nên để cho các địa phương, tùy từng vùng miền tự xây dựng tiêu chí và tự đánh giá. Mô hình Nông thôn mới ở Tây nguyên, miền núi, hay thậm chí đồng bằng sông Cửu long có thể hoàn toàn khác đồng bằng sông Hồng.

Nhìn lại tổng thể Chương trình nông thôn mới, theo ông, thách thức lớn nhất về nông nghiệp, khi Việt Nam tham gia TPP, là gì?

Là tiêu chuẩn an toàn thực phẩm. Muốn đáp ứng tiêu chuẩn an toàn thực phẩm phải tổ chức lại sản xuất, các DN và chuỗi giá trị, đặc biệt lưu ý đến quản lý chất lượng.

Đó là về chất lượng, nhưng về thị trường thì sao? Vì trong TPP có những nước rất mạnh về nông nghiệp như Mỹ, hay Úc và họ sẽ cạnh tranh cực mạnh tại thị trường của chúng ta?

Tùy theo ngành, ví dụ ngành chăn nuôi có thể sẽ gặp khó khăn. Hiện tại giá thành chăn nuôi của Việt Nam, kể cả lợn và gà, vẫn cao hơn so với Mỹ, hay Úc, vì họ đã áp dụng công nghiệp hóa và chuyên nghiệp hóa cao hơn. Nhưng ngược lại có những ngành chúng ta có lợi thế, như rau quả chẳng hạn. Lần đầu tiên vào năm nay xuất khẩu rau quả đã vượt lúa gạo, và Việt Nam sẽ tiếp tục duy trì lợi thế này khi bảo đảm tiêu chuẩn an toàn thực phẩm.

Xin cám ơn ông Đào Thế Anh đã dành thời gian cho Tuần Việt Nam.

Huỳnh Phan thực hiện

"Cột thu lôi" giữ Việt Nam ổn định
VN bất đắc dĩ làm 'nghĩa vụ quốc tế' vì.... lạc hậu
Lãnh đạo cũng thấy nhức nhối cần thay đổi

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét