Yêu sách của TQ đối với Biển Đông coi đây là nội thủy bên trong đường 9 đoạn đã hoàn toàn phớt lờ các quy định của Công ước 1982 trong việc phát triển hợp tác đa phương giữa các quốc gia trong biển kín.
LTS:Tuần Việt Nam giới thiệu Phần 2 nghiên cứu “Chủ nghĩa đế quốc hàng hải TQ, Luật biển và phán quyết của Tòa trọng tài Quốc tế trong vụ Philippines kiện TQ: Góc nhìn từ LB Nga” của tiến sĩ người Nga, Pavel Gudev.
Xem lại Phần 1:Tham vọng chủ quyền của Trung Quốc: Góc nhìn từ nước Nga
Cố công chứng minh "quyền lịch sử"
TQ nỗ lực từng bước tuyên truyền tình trạng “vùng nước lịch sử” đối với hầu hết Biển Đông. Theo quan điểm của một số chuyên gia và chính trị gia TQ, việc cái gọi là đường 9 đoạn không hề vấp phải sự phản đối nào sau khi xuất hiện trên bản đồ từ năm 1947 - 2009 là bằng chứng cho thấy những vùng nước thuộc Biển Đông bên trong đường 9 đoạn có “tính lịch sử”.
Dựa vào tuyên bố “vùng nước lịch sử”, TQ tự cho mình khả năng mở rộng vùng nội thủy và lãnh hải trên các vùng nước ở Biển Đông một cách hợp pháp. Do Bắc Kinh mạnh mẽ trong việc giới hạn các quốc gia khác thực hiện một số loại hoạt động kinh tế hàng hải nhất định, có thể suy đoán rằng điều này xuất phát từ việc họ hiểu đó là “vùng nội thủy lịch sử”.
Điều này có nghĩa là chủ quyền đầy đủ của Bắc Kinh sẽ không chỉ giới hạn trên tất cả các đảo trong phạm vi đường 9 đoạn, mà còn trên toàn bộ khu vực hàng hải (khoảng 80% tổng diện tích Biển Đông, tương đương 2.8 triệu km2) và không phận bên trên, đáy biển cũng như lớp đất bên dưới, và toàn bộ tài nguyên sinh vật lẫn không sinh vật. Cùng với những yêu sách trên thềm lục địa Nam cực và các vùng nước xung quanh, đây là yêu sách lớn nhất xét về không gian biển và các nguồn tài nguyên đi kèm theo đó.
Lập luận “vùng nước lịch sử” đòi hỏi nhiều bằng chứng thuyết phục. Các quốc gia ven biển phải đưa ra được bằng chứng về chủ quyền lâu đời được thực thi một cách rõ ràng đối với vùng biển liền bờ, và rằng họ có vai trò trọng yếu trong việc đảm bảo an ninh và phát triển kinh tế ở khu vực đó.
Nhận thấy phải củng cố cơ sở bằng chứng, các học giả TQ viện dẫn những nền tảng pháp lý có tính lịch sử. Cụ thể, họ thừa nhận rằng hầu hết các đảo ở Biển Đông thậm chí chưa xác định chủ quyền trong suốt thời nhà Hán ở thế kỉ II TCN; sứ thần TQ ở Campuchia đã đề cập đến quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa vào thế kỉ III; Biển Đông có lịch sử thuộc vùng lợi ích quốc gia của TQ từ giữa thế kỉ X và XIV; những đảo này đã xác định trên nhiều bản đồ TQ từ thế kỉ XV-XIX; và cuối cùng là ngư dân TQ đã có truyền thống đánh cá ở những vùng nước này.
Tuy nhiên, những dẫn chiếu trên cơ sở pháp lý lịch sử, dù được củng cố bởi bản đồ và tài liệu, không thể tạo thành bằng chứng phổ quát cho Bắc Kinh. Lý do là các nhà nước tập quyền qua các thế kỉ, đặc biệt trong thế kỉ XIX và XX khá yếu, không thể kiểm soát hiệu quả các vùng nước ở Biển Đông và các đảo ở đó được.
Ngoài ra, toàn bộ “cơ sở lịch sử” này chỉ có ý nghĩa quan trọng đối với thời điểm mà tranh chấp và mâu thuẫn xung quanh vấn đề Biển Đông dậy sóng. Ở đây là giai đoạn sau Thế chiến II, từ 1949 đến giữa thập niên 70. Tuy nhiên, trong giai đoạn này, Bắc Kinh đã không thể hiện các yêu sách của mình cách công khai.
Bất cập của việc áp dụng tình trạng vùng nội thủy có tính lịch sử liên quan đến sự thiếu vắng những tiêu chí rõ ràng nhằm xác định tình trạng đó trong Công ước về Luật biển 1982. Các đại biểu tại Đại hội III Liên Hợp quốc về Luật biển không muốn kích hoạt thêm tình trạng leo thang yêu sách đối với vùng nước lịch sử, vì thế trong Công ước 1982 không có chỗ nào đề cập đến những tiêu chuẩn tạo nên cơ sở pháp lý lịch sử, cũng như dựa trên những tiêu chí nào mà các vũng/vịnh rộng hơn 24 dặm có thể được xếp là có tính lịch sử.
Nhiều năm sau khi UNCLOS được kí kết, các quốc gia thực thi bắt đầu mở rộng số lượng những ngoại lệ liên quan đến vũng/vịnh, xem đây là các vùng nước lịch sử. Trước đó, điều này chỉ có thể áp dụng cho các vũng/vịnh có chiều rộng cửa vịnh tối đa là 24 dặm (hoặc hai lần chiều rộng tối đa của lãnh hải), nhưng sau đó tất cả các yêu sách đều liên quan đến vũng/vịnh với chiều rộng cửa vịnh thường lớn hơn 24 dặm rất nhiều.
Thêm vào đó, các quyền lịch sử bắt đầu được đưa ra không chỉ liên quan tới vũng/vịnh, mà còn với các biển nhỏ hơn, do đặc điểm địa lý mà rất giống vịnh. Sự mở rộng ngoại lệ này là do thực tế có một số biển nhỏ hơn vũng/vịnh rất nhiều được tuyên bố là có tính lịch sử.
Trung Quốc bồi lấp và quân sự hóa đá Chữ Thập, thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam. Ảnh: CSIS |
Luật pháp quốc tế đã hình thành 3 tiêu chí cơ bản cho việc xác lập quyền tài phán hợp pháp đối với vùng nước lịch sử được thừa nhận rộng rãi trong những điều kiện sau:
- Vị trí địa lý đặc biệt của vùng nước (đặc biệt cách xa hành lang hàng hải quốc tế);
- Lợi ích đặc biệt về an ninh và kinh tế của quốc gia ven biển (giá trị của vùng nước cũng như tài nguyên đi kèm đối với nền kinh tế của khu vực ven biển thuộc quốc gia đó hay thậm chí đối với cả quốc gia đó);
- Ý định chủ quan của quốc gia ven biển nhằm tìm kiếm từ các quốc gia khác sự thừa nhận bằng khoán lịch sử dưới dạng công nhận ngầm (im lặng) chủ quyền thực sự của mình và ít nhiều thông qua việc thực thi quyền lực (hoặc chủ quyền) một cách lâu đời, liên tục và hòa bình (không gián đoạn).
Tính đến tất cả các tình huống này, cũng như xét thấy việc thiết lập pháp luật hàng hải quốc tế có liên quan đến vùng nước lịch sử chủ yếu hướng đến việc phát triển tập quán thông lệ chứ không phải quy phạm hiệp ước, các quốc gia ven biển đã áp dụng quy chế pháp lý này đối với nhiều vùng hàng hải khác nhau, bao gồm cả biển.
Ví dụ, theo khung pháp lý Xô Viết, toàn bộ khu vực biển Bắc cực tiếp giáp lãnh hải của nước này (biển Bắc Seberia, biển Kara, biển Laptev, Chukchi), cũng như một số eo biển Bắc cực đã được xem là có tính lịch sử.
Moscow lập luận rằng tuyến đường Biển Bắc (NSR) là tuyến giao thông nội bộ quốc gia thuộc chủ quyền của Nga, nước có đặc quyền kiểm soát lưu thông hàng hải qua đó, đặc biệt là qua các eo biển Bắc cực thuộc Nga nơi vắt qua quần đảo Novosibirskiye và quần đảo Severnaya Zemlya.
Trong bất cứ trường hợp nào, điểm khác biệt cơ bản giữa yêu sách của Nga và TQ nằm ở chỗ Liên bang Xô Viết trước đây tuyên bố chủ quyền đối với các biển Bắc cực, vùng nước nơi sóng biển vốn chỉ dạt vào bờ một nước là Liên bang Xô Viết (USSR), như là nội thủy có tính lịch sử của nước này. Trong khi đó, TQ muốn sử dụng quy chế pháp lý này để tuyên bố chủ quyền đối với cả Biển Đông nơi có nhiều quốc gia có đường bờ biển, như Việt Nam, Malaysia, Philippines, Brunei…
Thực tiễn thực thi pháp luật thế giới có những tiền lệ khi khu vực hàng hải của hơn một nước giáp biển được coi là vùng nước lịch sử hoặc các vũng/vịnh lịch sử. Trong trường hợp Biển Đông, tiền lệ này là hoàn toàn bất khả, trừ khi có sự đồng thuận của tất cả các quốc gia trong khu vực. Nhưng vị trí quan trọng của Biển Đông đối với hàng hải quốc tế cũng như các hoạt động kinh tế khác không cho phép thay đổi tình trạng pháp lý của khu vực này, nhất là khi điều đó chỉ nhằm phục vụ cho lợi ích của một nước TQ.
Phớt lờ quy định UNCLOS
Theo Công ước về Luật biển 1982 thì Biển Đông là biển nửa kín (semi-enclosed sea). Điều 122 định nghĩa loại biển này như sau:
“Trong phạm vi của Công ước, “biển kín và nửa kín” là các vịnh biển, vũng/vịnh nhỏ hoặc biển bao quanh bởi hai hoặc nhiều quốc gia và có thông với một biển khác hoặc đại dương bởi một eo hẹp hoặc bao gồm toàn bộ/phần lớn lãnh hải và vùng đặc quyền kinh tế của hai hay nhiều quốc gia ven biển”.
Điều 123 “Hợp tác giữa các quốc gia ven biển kín hoặc nửa kín” đề nghị rằng:
“Các quốc gia ven biển kín hoặc nửa kín nên hợp tác với nhau trong việc thực thi chủ quyền và thực hiện các nghĩa vụ chiếu theo Công ước này. Để thực hiện điều này, các bên phải nỗ lực, theo cách trực tiếp hoặc thông qua một tổ chức khu vực phù hợp trong việc:
(a) Phối hợp quản lý, bảo tồn, thăm dò và khai thác các nguồn tài nguyên sinh vật biển;
(b) Phối hợp thực hiện các quyền và nghĩa vụ có liên quan đến việc bảo vệ và bảo tồn môi trường biển;
(c) Phối hợp trong các chính sách nghiên cứu khoa học và tiến hành, khi phù hợp, các chương trình hợp tác nghiên cứu trong khu vực;
(d) Khi phù hợp, mời các quốc gia hoặc các tổ chức quốc tế khác có quan tâm nhằm hợp tác với họ trong việc hoàn thiện các quy định của điều này”.
Trên thực tế, yêu sách của TQ đối với Biển Đông coi đây là nội thủy bên trong đường 9 đoạn đã hoàn toàn phớt lờ các quy định của Công ước 1982 trong việc phát triển hợp tác đa phương giữa các quốc gia trong biển kín.
(Còn tiếp)
Pavel Gudev, TS, Viện Kinh tế thế giới và quan hệ quốc tế Primakov, Viện Hàn lâm Khoa học Nga (IMEMO)
*Bài viết lược trích nghiên cứu của Pavel Gudev. Các tiêu đề chính, tiêu đề phụ do Tuần Việt Nam đặt.
Trong phần sau, tác giả sẽ phân tích cụ thể một số căn cứ pháp lý của Tòa Trọng tài Quốc tế trong “vụ kiện Biển Đông”.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét