Người ngày một đông, dân sinh xây dựng tự phát như vết dầu loang, lối thoát nước lộ thiên bị lấn lấp, cạn và hẹp dần, cống xả chính không tính hết lưu lượng mưa lớn nhất hoặc không thường xuyên làm sạch rác rến; đó là nguyên nhân xa của "Sài Gòn ngập".
Sài Gòn thời Pháp thuộc có ngập khi mưa lớn hoặc triều cường hay không thì chúng tôi chưa có duyên tiếp xúc với tài liệu hữu quan.
Thập kỷ 1960 bác sĩ Nonnemann đã mô tả hiện trạng trung tâm Sài Gòn (nơi ông sống và làm việc) trong hồi ký "Chúng tôi không hỏi họ từ đâu đến" như sau: "Cung cấp nước, áp suất 0,6 atm; hệ thống điện dao động từ 70 đến 110 Volt; hệ thống thoát nước quá tải vô vọng, nếu như nói chung là chúng tồn tại." Do đó bảo tình trạng ngập úng tràn lan hiện nay tại TP Hồ Chí Minh không có "tiền sử ủ bệnh" và tội lỗi ở hết người đến sau thì e rằng hơi phiến diện.
Thực ra TP HCM là kết quả sáp nhập ba đô thị nhỏ bao gồm Sài Gòn, Chợ Lớn và Gia Định mà trung tâm của chúng là những gò đất cao tự nhiên hoặc nhân tạo (nền thành cũ bồi đắp từ thời Nguyễn). Ranh giới của ba đô thị tổ thành ấy phần nhiều là đầm lầy mênh mông, kênh rạch chằng chịt, ruộng lúa thấp trũng thẳng cánh cò bay.
Mưa lớn kéo dài hơn 2 giờ vào trưa 18/5 khiến nhiều tuyến đường ở quận 1, 2, 3, Phú Nhuận, Bình Thạnh (TP HCM) bị ngập cục bộ do nước thoát không kịp. Ảnh: Newszing. |
Trải qua quá trình đô thị hóa, di dân chạy nạn chiến tranh trước 1975; những khoảng trống giữa Sài Gòn, Chợ Lớn và Gia Định dần dần được lấp đầy, bằng xa lộ mênh mông thẳng tắp như đường Trần Hưng Đạo, Điện Biên Phủ hiện tại, hoặc các đường nối tạm bợ cũng như các khu nhà sàn ổ chuột gá ghép trên mặt kênh rạch. Người ngày một đông, dân sinh xây dựng tự phát như vết dầu loang, lối thoát nước lộ thiên bị lấn lấp, cạn và hẹp dần, cống xả chính không tính hết lưu lượng mưa lớn nhất hoặc không thường xuyên làm sạch rác rến; đó là nguyên nhân xa của "Sài Gòn ngập".
Từ năm 1975 đến trước Đổi mới 1986, cũng rất ít khi nghe nói đến ngập nặng hoặc bị triều cường tấn công ở TP HCM.
Bắt đầu từ những năm 1990, tốc độ beton hóa Sài Gòn tăng chóng mặt, thành phố vươn mình ra khắp bốn phía, bất kể thổ trạch cứng hay mềm, đầm lầy hay gò cao. Nước trời cứ cho là vẫn thế nhưng không còn chỗ thấm, cống rạch ra sông lớn không cải tạo kịp thời khiến cho nhiều vùng thành phố cứ hễ mưa là ngập. Những chỗ trũng lại càng trũng hơn vì nền phù sa bị đè nén bởi hàng triệu triệu tấn xi măng cốt thép, gạch vữa, đá và nhựa trải đường.
Ở Thảo Điền, quận 2 chẳng hạn, trong 10 năm từ 1997 đến 2007 chính tác giả bài viết này đã ghi nhận độ lún lớn nhất là ở Làng Báo Chí, khoảng 5cm - 7cm/năm. Cũng từ dạo ấy nỗi lo triều cường xuất hiện, nước cống đen ngòm hôi thối bị con triều ngoài sông đẩy ngược lên các khu dân cư thấp. Triều cường thường xuyên phá vỡ các bờ bao, các con đê cục bộ dọc bờ sông Sài Gòn, mạn bắc thành phố. Triều cường tàn hại hoa màu, gây ảnh hướng xấu đến sinh hoạt của cộng đồng, làm cho môi trường sống mất vệ sinh trầm trọng.
Tại TP HCM thủy triều hoạt động mạnh nhất, lên cao nhất trong khoảng thời gian Thu phân (23 hoặc 24/9) đến Xuân phân (20 hoặc 21/3) hằng năm. Không may nửa đầu mùa triều tại đây lại trùng với đỉnh điểm mùa mưa nam bộ. Ngày mưa lớn mà gặp triều cường cộng với hồ Dầu Tiếng hay Trị An xả lũ luôn là đại họa với người dân hai bờ sông Sài Gòn, từ quận 12 đến quận 2, từ Thủ Đức đến Bình Thạnh.
Đó là chưa kể biến đổi khí hậu, trái đất nóng lên, nước biển dâng cao, mức triều cường năm sau luôn cao hơn năm trước.
May mắn là từ hơn 10 năm trở lại đây, công nghệ nền móng công nghiệp như khoan cọc nhồi hay ép cọc beton cứng xuyên bùn xuống tầng cát đáy liên tục được cải tiến, chi phí hạ xuống mức độ "phủ sóng" được qua các công trình tư nhân nhỏ. Người Sài Gòn không còn gây nén xuống thảm sa bồi khi làm móng nhà như cách đóng cừ tràm xưa cũ. Độ lún nhiều nơi đã giảm đáng kể dù thời điểm tắt lún có lẽ còn rất xa.
Còn tiếp
Trương Thái Du
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét