Hà Nội và TP Hồ Chí Minh đang chứng kiến số lượng và cường độ ùn tắc giao thông ngày càng gia tăng, đặc biệt trong mùa mưa bão. Chỉ mấy ngày trước, báo chí phản ánh tình trạng Hà Nội tắc cứng cả đường lớn lẫn ngõ nhỏ.
Việc nhanh chóng áp dụng các giải pháp giảm hành vi gây ùn tắc nghiêm trọng tại nút giao thông đang trở nên cấp thiết hơn bao giờ hết.
Một giải pháp hữu hiệu
Vạch kẻ mắt võng tại nút giao thông là một giải pháp nhằm chống tình trạng ùn tắc giao thông nghiêm trọng trên các hành lang, tuyến đường có nhiều nút giao thông (hiện tượng phổ biến là ùn tắc tại các nút dẫn tới việc tất cả các dòng giao thông đến và đi đều không thể dịch chuyển). Mặt đường trong không gian của nút được sơn kẻ và nghiêm cấm các phương tiện đi vào nút nếu phía trước không đủ không gian thoát.
Mặc dù các quốc gia có cách triển khai khác nhau, phần lớn các nước đều quy định không gian nút giao thông là cấm dừng, chẳng hạn tại Australia, New Zealand, một số nước Châu Âu... Người lái xe không được đi vào nút, nếu như phía trước không đủ không gian để họ có thể thoát khỏi nút (cả khi có đèn xanh). Nhiều quốc gia đã triển khai giải pháp mạnh hơn, áp dụng loại vạch kẻ mắt võng, để nhắc nhở lái xe một cách trực tiếp không được đi vào nút giao thông nếu phía trước bị ách tắc (kể cả khi có đèn xanh).
Trong hình trên (giao thông đi bên trái): Chiếc xe màu xanh lá cây đang có đèn xanh, nhưng vi phạm luật do tiếp tục đi vào phần vạch kẻ màu vàng trong khi phía trước đang bị tắc bởi một chiếc xe tải.
Giải pháp vạch kẻ mắt võng phát huy tác dụng rất lớn, tác động trực diện tới người lái xe, do quá trình lái luôn phải thu nhận thông tin từ mặt đường. Nó được triển khai tại Anh Quốc từ năm 1967, sau đó được sử dụng rộng rãi trên toàn thế giới, như tại nhiều nước châu Âu, một số bang của Mỹ, Canada, Hồng Kông, Indonesia, Malaysia, Thái Lan, Singapore, Philippines...
Vạch kẻ mắt võng tại một nút giao thông tại thủ đô Jakarta, Indonesia |
Vạch kẻ mắt võng cũng được áp dụng rất hiệu quả tại các đường ngang giao cắt giữa đường sắt và đường bộ, do có thể cung cấp cho người lái những cảnh báo tức thì về việc không được dừng tại khu vực do có khả năng va chạm cao với đường sắt.
Áp dụng vạch kẻ mắt võng tại đường ngang |
Thiết kế vạch tại nút có thể khác nhau, một số quốc gia dùng hình vuông/chữ nhật màu trắng, trong khi tại nhiều nước trên thế giới dùng kết cấu mắt võng với vạch màu vàng.
Việt Nam: Tắc cũng vẫn đi vào nút
Kết quả nghiên cứu nguyên nhân ùn tắc giao thông tại một số nút cho thấy một số vụ ùn tắc giao thông nghiêm trọng là hậu quả của việc phương tiện tiếp tục đi vào nút trong khi phía trước đang bị tắc, khiến phương tiện “cài răng lược” giữa nhiều phương hướng. Hành vi của một vài người lái xe dẫn tới ách tắc nghiêm trọng tại một nút, từ đó lan ra một số nút giao thông lân cận và cuối cùng là ách tắc nghiêm trọng trên một khu vực diện rộng.
Các hành vi trên hoàn toàn có thể thuyên giảm nếu có vạch kẻ mắt võng tại các nút này, kết hợp với tuyên truyền giải thích và cưỡng chế vi phạm.
Ùn tắc tại các nút sẽ giảm đi đáng kể nếu vạch kẻ đường mắt võng được triển khai kết hợp với phân làn hợp lý. Trong trường hợp tại bức ảnh trên, nếu có vài người lái xe cố gắng tiếp tục đi vào nút giao thông khi đã tắc, có thể dẫn tới ách tắc toàn bộ nút và cả khu vực lân cận suốt 1 - 3 tiếng, thậm chí lâu hơn. Trong khi nếu có vạch mắt võng và tổ chức định hướng, cưỡng chế tốt hơn, ùn tắc có thể chỉ còn 15 - 20 phút.
Dễ triển khai, chi phí thấp, hiệu quả cao
Dù đã được triển khai ở một số nơi, cũng như được các chuyên gia kiến nghị nhiều lần tại các hội thảo khoa học, vạch mắt võng vẫn chưa được triển khai tại các nút giao thông có nguy cơ xảy ra ùn tắc giao thông nghiêm trọng tại Hà Nội và TP. HCM. Đây là giải pháp có chi phí đầu tư thấp, dễ triển khai, hứa hẹn đem lại lợi ích vượt trội trong việc giảm ùn tắc giao thông, bảo vệ môi trường và xây dựng văn hóa giao thông ngày một tốt hơn tại các thành phố lớn.
Vạch kẻ đường mắt võng không phải là chiếc “chìa khóa vạn năng” giải quyết ùn tắc giao thông. Tuy nhiên, giải pháp này nếu sớm được áp dụng chắc chắn sẽ là công cụ hữu hiệu giảm bớt hành vi cản trở nút giao thông, vốn là nguyên nhân gây nên nhiều vụ ùn tắc giao thông đặc biệt nghiêm trọng tại Hà Nội và TP. HCM gần đây.
TS. Trần Hữu Minh
Bài cùng tác giả: Làm thế nào giúp Hà Nội hết cảnh ‘chôn chân’? Nhu cầu đi lại tiếp tục tăng, đặc biệt là người dân chuyển từ xe máy sang ô tô ngày càng nhiều. Thành phố toàn xe máy khó tiến tới thịnh vượng Không nên xem phương tiện công cộng và cá nhân là hai nhân tố đối đầu nhau, mà là hai nhân tố kết hợp, hỗ trợ nhau. Có nên để đại gia tranh 'mua' sân bay? Nếu quy định khai thác không hợp lý, có thể dẫn tới tình trạng độc quyền trong tiếp cận dịch vụ mà người thiệt hại cuối cùng là người dân và cộng đồng. |
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét