"Chúng ta không né tránh! Người được bổ nhiệm sai thì trả họ về đúng vị trí và xử lý người có trách nhiệm, có thẩm quyền."
Đại biểu Quốc hội Phạm Tất Thắng – Phó Chủ nhiệm Uỷ ban VH-GD-TN-TN-NĐ của Quốc hội nhấn mạnh điều này khi trả lời VOV.VN về nhiều trường hợp bổ nhiệm gây dư luận không tốt nhưng vẫn “đúng quy trình”.
Trường hợp bổ nhiệm gây dư luận có là cá biệt?
PV: Qua nhiều vụ việc bổ nhiệm cán bộ vừa qua mà dư luận và báo chí phản ánh, theo ông, liệu có kẽ hở nào về quy trình?
Đại biểu Phạm Tất Thắng: Một loạt sự việc không chỉ vừa rồi mà nhiều sự việc trước đó khi có vấn đề xảy ra, dư luận và báo chí vào cuộc thì cơ quan có trách nhiệm đều trả lời “đúng quy trình”. Công tác cán bộ có chủ tương của Đảng, có kế hoạch, chỉ thị rồi đến Nghị quyết của chính quyền khá rõ, có lộ trình, có tiêu chuẩn, điều kiện... nhưng tại sao vẫn có hiện tượng như vậy?
ĐBQH Phạm Tất Thắng – Phó Chủ nhiệm Uỷ ban VH-GD-TN-TN-NĐ |
Tôi cho là đúng quy trình và quy trình đúng. Như vậy ở đây việc thực hiện quy trình không đúng, tức yếu tố chủ quan, liên quan đến người thực thi. Do đó cần rà soát xem các trường hợp gây dư luận đó chỉ là cá biệt hay phổ biến ở một mức độ nào đó. Trên cơ sở đó đánh giá lại tiêu chuẩn, quy trình để cụ thể và hặt chẽ hơn nữa.
Cùng với đó là phải quan tâm vấn đề thực hiện quy trình, yếu tố chủ quan để quy định rõ trách nhiệm từng cấp, từng khâu trong những việc đã được phát hiện cũng như sự việc sắp tới qua thanh kiểm tra phát hiện ra thì phải xử lý nghiêm minh.
PV: Bộ trưởng Bộ Nội vụ cho biết đang yêu cầu các tỉnh gửi báo cáo để tổng hợp về việc bổ nhiệm cuối nhiệm kỳ. Điều này là cần thiết, thưa ông?
Đại biểu Phạm Tất Thắng: Qua những thông tin phản ánh về bổ nhiệm như Hải Dương thì cơ quan quản lý Nhà nước cần có đánh giá tổng thể về việc sử dụng đội ngũ cán bộ công chức, viên chức.
Qua đó để xem có phát hiện ra trường hợp khác không, đánh giá trường hợp đó là cá biệt hay có vận dụng như phóng viên nêu là tình trạng bổ nhiệm cuối nhiệm kỳ.
Nhiệm kỳ trước cũng đã có vụ việc mà dư luận và báo chí rất quan tâm, nên nhân sự việc này chúng ta cần rà soát tổng thể, kể cả bổ nhiệm cuối nhiệm kỳ để xem có bổ nhiệm ồ ạt hay không.
PV: Để xảy ra những sự việc được coi là bất thường trong bổ nhiệm cán bộ rõ ràng có trách nhiệm của các cơ quan liên quan, thưa ông?
Đại biểu Phạm Tất Thắng: Quy trình bổ nhiệm khá chặt chẽ, từ chủ trương đến quy hoạch, bồi dưỡng, sử dụng... và có sự phân cấp nhất định.
Cấp lãnh đạo Sở có thẩm quyền và trách nhiệm trực tiếp bổ nhiệm lãnh đạo cấp phòng. Tuy nhiên, như ngành Nội vụ phê duyệt, kiểm tra hàng năm thế nào? Rồi cấp uỷ cấp trên kiểm tra thế nào trong thực hiện nhiệm vụ, quy hoạch vì hàng năm đều có báo cáo, nhất là công tác nhân sự.
Mạnh dạn trả người được bổ nhiệm về vị trí cũ
PV: Liên quan đến việc bổ nhiệm cán bộ ở một Sở nhưng Thủ tướng đã giao Bộ Nội vụ thực hiện thanh tra công vụ. Theo ông, điều đó nói lên điều gì?
Đại biểu Phạm Tất Thắng: Sự chỉ đạo nhanh, quyết liệt của Thủ tướng là cần thiết. Việc thanh tra cũng liên quan câu hỏi liệu có chuyện bổ nhiệm ồ ạt cuối nhiệm kỳ hay không, qua thanh tra công vụ ở Sở này rút ra bài học gì.
Việc thanh tra công vụ không chỉ dừng ở một vụ việc cụ thể ở Hải Dương mà trên bình diện rộng hơn để xem việc quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, bổ nhiệm, sử dụng cán bộ thế nào, gắn với tinh giản biên chế, sắp xếp lại đội ngũ công chức, viên chức.
Sự chỉ đạo của Thủ tướng nhằm đến mục tiêu lớn hơn là một sự việc cụ thể ở một Sở.
PV: Nếu qua thanh tra khẳng định thông tin báo chí phản ánh là chính xác thì chắc chắn sự việc sẽ được xử lý quyết liệt?
Đại biểu Phạm Tất Thắng: Qua kiểm tra, thanh tra để quy trách nhiệm cụ thể nếu để xảy ra sự việc. Người có thẩm quyền bổ nhiệm nếu làm sai, lợi dụng thì sai đến đâu phải xử lý. Cá nhân được bổ nhiệm mà sai vị trí, chức năng nhiệm vụ được phê duyệt thì cần mạnh dạn trả lại vị trí theo đúng yêu cầu sử dụng của bộ máy.
PV: Báo cáo của Uỷ ban Tư pháp cho biết dư luận cử tri và báo chí phản ánh có một số trường hợp lạm dụng quy định để bổ nhiệm người thân, bổ nhiệm ồ ạt cuối nhiệm kỳ... gây bất bình trong dư luận. Quan điểm của ông như thế nào về nhận định này?
Đại biểu Phạm Tất Thắng: Vừa rồi hàng loạt vụ việc dư luận và báo chí nêu, từ việc bổ nhiệm người nhà ở một số địa phương, rồi một Sở chỉ có 2 chuyên viên... thì có liên quan đến người có chức vụ, quyền hạn.
Không chỉ trong báo cáo của Uỷ ban Tư pháp khi thẩm tra về báo cáo công tác phòng chống tham nhũng năm 2016 mà ngay cả báo cáo tổng hợp kiến nghị cử tri của Uỷ ban Trung ương MTTQ Việt Nam trong phiên khai mạc Kỳ họp thứ 2 vừa qua cũng nêu cử tri và nhân dân cả nước quan tâm vấn đề này, nó gắn với vấn đề lợi ích nhóm, tham nhũng, tiêu cực.
Một Chủ tịch HĐQT của một công ty lớn gây thất thoát, thua lỗ hàng nghìn tỷ vẫn được đề bạt, bổ nhiệm ở vị trí cao hơn thì rõ ràng ở đây có yếu tố chủ quan, có nâng đỡ nào đó. Tôi cho đó là nhận định có cơ sở.
PV: Trung ương vừa qua cũng nhấn mạnh giải pháp kiểm tra, giám sát để tăng cường chỉnh đốn Đảng. Với công tác cán bộ, vấn đề này càng phải được chú trọng, thưa ông?
Đại biểu Phạm Tất Thắng: Có quản lý, lãnh đạo là có kiểm tra, giám sát. Qua những vụ việc cụ thể vừa qua thì có thể nói chức năng này ở nơi đó chưa làm tốt lắm!
Kiểm tra, giám sát vừa là một chức năng của quản lý từ cấp trên đến cấp dưới, rồi của cơ quan chuyên ngành với hệ thống, tuy nhiên, thời gian qua có lẽ làm chưa tốt nên cần tăng cường.
Tôi cho rằng việc quan trọng của thanh kiểm tra là phát hiện cả những “mầm mống” có thể dẫn đến sai phạm để ngăn chặn, tránh xảy ra hậu quả.
PV: Xin cảm ơn ông!./.
Ngọc Thành/ TheoVOV.vn
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét