Thứ Năm, 27 tháng 10, 2016

Hôn nhân trời định của người đàn bà "cuồng" búp bê

- Tình yêu đến sau những đổ vỡ trong hôn nhân, anh Tuấn Anh và chị Thanh Chung dù mỗi người làm một công việc khác nhau nhưng đều có chung một trái tim chia sẻ với những người nghèo có hoàn cảnh khó khăn.

Phần 1: "Chúng tôi thèm cơm, sợ mì ăn liền lắm rồi"

Thanh Chung 3Play
Tình yêu xuất phát từ công việc thiện nguyện.
Thanh Chung 4Play
Những câu chuyện thú vị về những con búp bê và tình người.
Thanh Chung 5Play
Xem toàn bộ phần 2 buổi trò chuyện với vợ chồng chị Thanh Chung.

Nhà báo Hà Sơn: Điều gì khiến anh ấn tượng về chị Thanh Chung ngoài tấm lòng và công việc làm vì mọi người?

Anh Tuấn Anh: Tôi trước đây là phóng viên, vốn quay phim sau đó làm đạo diễn. Khi còn ở Hãng phim tài liệu khoa học trung ương tôi phụ trách xưởng miền núi và đối ngoại vì thế đi các vùng miền núi rất nhiều từ Bắc đến Nam. Những chuyến đi trong hàng chục năm giúp tôi hiểu đời sống nhân dân các dân tộc cùng những khó khăn họ gặp phải. Vì thế tôi và cộng đồng bạn bè trong nhiều năm cố gắng làm những việc nho nhỏ để chia sẻ với bà con.

Một trong những nhóm tôi tham gia khá lâu là Otofun cụ thể nhóm Ford Escape gồm những người làm nhiều ngành nghề khác nhau nhưng đều cố gắng thu xếp thời gian lên vùng nào đó giúp các em nhỏ. Những việc đó chúng tôi tham gia thường xuyên. Sau này tôi cũng tham gia thêm ở những chương trình như "Cơm có thịt" với tư cách lái xe vì tôi am hiểu vùng miền núi. Tôi quen chị Thanh Chung qua công việc từ thiện nên để chị Chung nói sẽ hay hơn.

Chị Thanh Chung: Nhóm của tôi dạo xưa bé nên luôn muốn tiết kiệm tiền. Mỗi lần lên miền núi tôi đều viết lên trên mạng xem ai có xe ô tô cho chúng tôi mượn đỡ phải thuê. Một lần anh Tuấn Anh vào inbox sẵn sàng cho nhóm tôi mượn xe và cả lái xe. Cái duyên đầu tiên do tôi mê xe vì tiếc tiền còn anh Tuấn Anh lại hào hiệp với chiếc xe Ford nên hai người gặp nhau. Khi mới quen tôi và anh ấy còn mày tao chí tớ thậm chí tôi còn trêu các bạn trong nhóm: "Anh Tuấn Anh cho bọn mình mượn xe, ai trẻ đẹp xinh xắn đến ôm hôn anh ấy đi".

Lúc đó tôi vẫn đang ở New York, anh Tuấn Anh ở Việt Nam. Ngay sau câu trêu của tôi, anh Tuấn Anh nhắn: "Buồn cười nhỉ, tớ chỉ thích ôm hôn chủ tịch nhóm chứ thành viên khác không thích". Sau đó tôi có dịp về Việt Nam, anh em gặp nhau mới hóa ra: "Ông này biết mình từ lâu trong nhóm nên việc cho mượn xe là cái cớ thôi". (cười)

Anh Tuấn Anh: Thực tế tôi làm việc ở nhiều nơi không chỉ ở Việt Nam, đặc biệt đã đi nhiều vùng khó khăn. Khi Chung lúc đó có thể thay đổi công việc sang vùng Châu Phi tôi nghĩ rằng: "Ờ, tại sao chúng ta không sống với nhau?".

Hiện tại cuộc sống ở Mỹ, tôi là hướng dẫn viên du lịch, rất nhiều đoàn khách người Việt Nam khi hiểu công việc của Thanh Chung và nhóm "Vì ta cần nhau" cũng có sự ủng hộ nhất định.

Mặt khác trong quá trình đi làm tôi có thú vui sưu tầm đĩa than và đem rao bán trên mạng thu được số tiền kha khá. Tất cả những cái đó giúp quỹ thêm kinh phí hoạt động. Những ngày này khi chúng tôi về Việt Nam thấy sự tử tế lan tỏa rộng rãi và đó là những điều thực sự làm tôi cảm động.

Nhà báo Hà Sơn: Chị làm từ thiện chủ yếu trong nhóm "Vì ta cần nhau" còn anh từng làm trong nhóm "Cơm có thịt" hay hoạt động từ thiện của diễn đàn Otofun. Vậy hai người vẫn tách hoạt động từ thiện riêng biệt hay có ý định về chung một nhóm?

Anh Tuấn Anh: Chúng tôi nghĩ rằng khái niệm về một nhóm hay tách nhóm cũng không phải rạch ròi. Vì khi có hoạt động, chúng tôi kêu gọi lập tức các bạn ở nhóm Chăn ấm chuyển 100 chăn để mang lên núi hoặc ngược lại nếu các bạn nhóm diễn đàn Otofun lên núi chúng tôi chuyển chút quà sang cho các bạn. Nếu tôi ở Việt Nam cần thiết sẽ lái xe đi cùng chở hàng. Như vậy có thể hiểu sự kết nối giữa các nhóm rất gắn bó.

Chị Thanh Chung: Phải nói giữa nhóm Cơm có thịt, Giỏ thị, Chăn ấm, Vì ta cần nhau, Otofun,... chúng tôi phối hợp rất nhịp nhàng. Khi cần chúng tôi hỗ trợ nhau nhiệt tình.

Nhà báo Hà Sơn: Anh chị từng đổ vỡ trong hôn nhân nhưng từ sự chia sẻ, tình yêu thì nên duyên vợ chồng. Khi về chung một nhà, các con của anh chị có ủng hộ bố mẹ các hoạt động từ thiện?

Anh Tuấn Anh: Khi chúng tôi đến với nhau có sự ủng hộ rất lớn của các con, các cháu. Các con của Thanh Chung và con tôi đến nay đã trở thành anh em, người thân trong đại gia đình. Và để xây dựng một gia đình có sự khác biệt như thế vai trò người phụ nữ rất quan trọng.

Chị Thanh Chung: Tôi nghĩ các con hiểu rằng hạnh phúc của cha mẹ là điều quan trọng nhất và mỗi khi tôi kêu gọi từ thiện gây quỹ, cả con gái, con trai, con dâu đều nói: "Em sẽ ủng hộ mẹ ngần này từng này và chuyển tiền vào tài khoản của mẹ". Tôi may mắn không những được chồng chia sẻ mà các con cũng đều chia sẻ. Khi người ta vẫn tin mình nghĩa là xin tiền vẫn cho thì vẫn tiếp tục phải làm đến khi không ai cho nữa thì thôi.

Nhà báo Hà Sơn: Có một điểm thú vị là chị thường tự tay làm và sửa những con búp bê đem bán gây quỹ cho những em nhỏ ở vùng cao. Chị có thể chia sẻ gì về việc này?

Chị Thanh Chung: Tuổi thơ của tôi không có đồ chơi vì những năm tháng đó khó khăn. Tôi có đam mê về búp bê nên khi phát hiện ra ở Mỹ có búp bê bắp cải khai sinh rõ ràng, ai muốn có phải xin giấy nhận nuôi. Tôi nghĩ nếu đưa các em bé này về Việt Nam vừa dạy trẻ em và cũng có thể gây được quỹ.

Vì vậy tôi và anh Tuấn Anh lặn lội đến các chợ kiếm các em búp bê đồ cũ vì mua mới đắt, rồi đem về hì hụi giặt, chỉnh trang cho thật xinh đẹp và nhờ một bà chị khéo tay đan lát may quần áo mới mặc cho búp bê và đem bán.

Năm ngoái hội chợ tôi đem hơn 200 con búp bê về và chỉ trong hai ngày quỹ nhóm tăng lên hơn 200 triệu. Quan niệm của tôi là khi các con nhận em búp bê về nuôi thì các bạn ở miền núi có thêm áo ấm.

Có em bé nói: "Bác ơi, bây giờ con chỉ có một nửa tiền bác có bán chịu không?" và tôi nhất trí. Hay có bạn nói con sẽ chơi với bạn này cho đến khi lớn mang cho bác bán lấy tiền mua chăn cho các bạn nhỏ vùng cao. Rất nhiều câu chuyện ấm áp.

Anh Tuấn Anh: Gần đây nhất những ngày đợt bão lụt Quảng Bình trong lúc tất cả mọi người phải đóng gói những yếu phẩm đưa vào cứu trợ, có cháu bé bế một con búp bê đến ngồi cùng làm với mẹ và khi được hỏi cháu nói rằng khi nó làm điều gì tử tế sẽ có một người bạn chứng kiến. Trong cuộc sống sự tử tế, ý thức trách nhiệm cộng đồng sẽ hình thành nên những đứa trẻ như thế. Đó là điều xã hội chúng ta đang cần.

Nhà báo Hà Sơn: Anh Tuấn Anh chia sẻ khi làm hướng dẫn viên du lịch bên Mỹ cũng nhận được những đóng góp của các khách du lịch. Như vậy có thể hiểu ý thức làm thiện nguyện anh luôn mang trong mình?

Anh Tuấn Anh: Đúng rồi. Bản thân mỗi người du lịch hay làm việc tại Mỹ tôi gặp họ đã làm công việc từ thiện ở đâu đó bằng cách này, cách khác. Tuy nhiên khi họ biết về những trẻ em ở vùng núi luôn gặp nhiều khó khăn thiếu thốn và họ thực sự muốn chung tay chia sẻ.

Khi nhận những đồng tiền như thế chị Thanh Chung cũng làm nhiều cách để nâng giá trị số tiền lên. Ví như chúng tôi mua hàng hóa những người trong nước đặt hàng và chuyển về. Lúc đó giá trị tiền từ thiện lại tăng lên vì bản thân nhiều người ở Việt Nam họ muốn ủng hộ cho nhóm bằng cách đặt mua hàng.

Ví dụ tiền được ủng hộ là 100, 200 đô nhưng qua những hoạt động về đến Việt Nam giá trị lại cao hơn.

Nhà báo Hà Sơn: Trong công việc làm từ thiện các anh chị rất linh động miễn sao có thêm tiền, có thêm nhiều sự yêu thương chia sẻ?

Anh Tuấn Anh: Trong quá trình gây quỹ ở Mỹ nhiều khi nhóm chị Chung nhận được tiền từ nhiều người, nhiều đối tượng khác nhau. Có những người bạn Mỹ, có những người Việt Nam sống ở Mỹ nhưng trong đó chúng tôi đặc biệt ấn tượng với những người phụ nữ, người đàn ông lái xe, làm trong các nhà máy nhỏ - họ là những người lao động rất vất vả, thu nhập không cao.

Tôi nhớ có một người ở tiểu bang Connecticut lên gặp trao phong bì trong đó có 195 đô la toàn là những đồng tiền lẻ. Khi trò chuyện được biết họ sang Mỹ, cuộc sống cũng đầy khó khăn, phải đi làm từ sáng, lái xe vài chục dặm, cả đời chưa bao giờ dám vào ăn ở những nhà hàng sang trọng nhưng lại sẵn lòng dành dụm tiền gửi về ủng hộ các em nhỏ vùng cao.

Chị Thanh Chung: Tôi từng phát biểu trong một lần Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng sang Mỹ tiếp xúc với đồng bào Việt kiều rằng: Không cần biết người Việt đến nước Mỹ thời gian nào, bằng phương tiện nào và vì sao. Nhưng hai chữ đồng bào đã kéo mọi người xích lại gần nhau.

- Cảm ơn anh chị về cuộc trò chuyện!

Sơn Hà - Thu Hà - Xuân Quý - Đức Yên - Xuân Phúc
Ảnh: Hòa Nguyễn

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét