“Thú thật đã từng làm lãnh đạo bao nhiêu năm tôi vẫn không hình dung ra nổi hình thức kỷ luật “phê bình nghiêm khắc” là như thế nào. Luật hoặc các quy định không hề có loại khái niệm như vậy và thực tế cũng không hề có!”- ông Nguyễn Minh Nhị bộc bạch.
Tuần Việt Nam giới thiệu kỳ 2 cuộc trò chuyện với ông Nguyễn Minh Nhị, nguyên Chủ tịch UBND tỉnh An Giang và LS. Nguyễn Ngọc Bích.
Kỳ 1: Chính sách tốt ở trên, xuống dưới bị vô hiệu hóa
Có ý kiến cho rằng, một số biện pháp chế tài hiện nay vẫn chưa đủ mạnh để cán bộ Nhà nước phải làm tròn bổn phận công vụ?
LS. Nguyễn Ngọc Bích: Tôi đồng hành, trợ giúp pháp lý cho doanh nghiệp nên thấu hiểu rõ.
Chính quyền nào cũng hoạt động theo thể chế có thể vận hành từ trên xuống dưới, từ phải qua trái. Tất cả các thể chế hành chính đều vận hành như vậy hết.
Ở ta, khi một người đứng đầu vi phạm quy chế công vụ, nhũng nhiễu doanh nghiệp, nếu bị tố giác hay bị phát hiện thì việc xử lý đầu tiên là về mặt Đảng.
Có một qui luật chung là nếu quyền lực mà không bị chế tài, kiểm soát thì ắt sinh ra lạm quyền, xem thường pháp luật!
LS Nguyễn Ngọc Bích. Ảnh: Trần Bình
|
Ông Nguyễn Minh Nhị từng có thời gian dài làm trong bộ máy chính quyền. Từ những bài học thực tiễn, ông có chia sẻ như thế nào với ý kiến của LS. Nguyễn Ngọc Bích?
Ông Nguyễn Minh Nhị: Ý kiến này rất đúng, rất chính xác!
Ở ta đây đó vẫn có hiện tượng, khi có lỗi, có sai thì họ lại viễn dẫn “ việc này của tập thể cấp ủy”, ì vậy không quy trách nhiệm được.
Vậy thì điều gì đang khiến cho hiệu lực pháp luật chưa thực sự mạnh mẽ?
Ông Nguyễn Minh Nhị: Nếu công tác “lãnh đạo” và công tác “quản lý” mà lệch pha sẽ không chỉ làm giảm hiệu lực mà còn phát sinh ra một thứ văn hóa “nịnh bợ” rất tệ hại.
Lẽ thông thường xưa nay cấp dưới nịnh cấp trên. Nhưng ở ta cấp trên phải nịnh cấp dưới. Làm lãnh đạo vừa phải nịnh cấp trên và vừa nịnh cấp dưới. Bởi không nịnh cấp dưới thì bầu cử họ không bầu cho. Bầu thi đua ở cơ quan cũng không được chứ đừng nói những cái khác xa hơn.
Khi anh lãnh đạo ra ứng cử thì đưa ra tổ dân phố bình bầu. Cho nên phải nịnh tất tần tật. Bởi vậy cho nên người lãnh đạo đôi khi cũng khó nghiêm khắc, quyết liệt.
Ông Nguyễn Minh Nhị. Ảnh: Tuổi trẻ
|
Thời kỳ ông Nguyễn Minh Nhị giữ cương vị Chủ tịch UBND tỉnh An Giang, ông có gặp phải trường hợp nào tương tự không?
Ông Nguyễn Minh Nhị: Sao mà tránh được?! Tôi cũng từng ra lệnh cách chức, kỷ luật, ra lệnh báo cáo …những trường hợp không chấp hành chỉ đạo. Nhưng cấp dưới chẳng làm thì cũng cười trừ chứ làm gì bây giờ?!
Cho nên, chúng ta muốn cải cách, thay đổi điều gì thì phải xác định và bắt đầu từ gốc rễ, bản chất của vấn đề.
Ông có thể nói cụ thể hơn?
Ông Nguyễn Minh Nhị: Gốc là cách lãnh đạo và quản lý đất nước và nền kinh tế này.
Có hiện tượng do năng lực yếu nên sợ, phải bủa lưới, phóng lao, bày ra cái này, cái kia để giữ cho được quyền hành, thể hiện qua việc ban hành nghị định, qui định. Cho nên mới có chuyện khi Chính phủ rà soát, yêu cầu tháo lưới ra, nhưng được ít bữa nữa có lãnh đạo mới thì lại tìm cách lẻn bổ sung thêm nhiều tấm lưới nữa.
Nếu muốn sửa phần gốc vấn đề thì phải sửa từ thể chế tổ chức, rồi cơ chế, pháp chế. Chứ hiện nay có hiện tượng cấp trên ra lệnh, cấp dưới không thi hành nghiêm túc nhưng cuối cùng chẳng làm gì được cả.
Ở Đài Loan ví dụ, nếu có động đất lớn mà nhà bị sập thì sẽ cho bắt chủ thầu ngay, mọi việc tính sau. Còn ta đây đó vẫn còn chuyện xử lấp lửng đánh lận con đen, nào là “kỷ luật phê bình nghiêm khắc”, “xử lý nghiêm khắc”!
Thú thật đã từng làm lãnh đạo bao nhiêu năm tôi vẫn không hình dung ra nổi hình thức kỷ luật “phê bình nghiêm khắc” là như thế nào. Luật hoặc các quy định không hề có loại khái niệm như vậy và thực tế cũng không hề có!
Xin cảm ơn ông Nguyễn Minh Nhị và LS. Nguyễn Ngọc Bích đã dành thời gian trao đổi.
Duy Chiếnthực hiện
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét