Thứ Năm, 27 tháng 10, 2016

Chính sách tốt ở trên, xuống dưới thì bị vô hiệu hóa

"Có tình trạng là cấp trên có chính sách tốt, nhưng cấp dưới luôn sẵn sàng có “đối sách” quyết liệt, có khi còn vô hiệu hóa tất cả chỉ vì lợi ích cục bộ!”- LS Nguyễn Ngọc Bích kể.

LTS- Những biện pháp cải cách thủ tục hành chính quyết liệt mà Chính phủ tiến hành thời gian qua đang gặp phải sự kháng cự không ít từ chính bộ máy hành chính quan liêu.Tuần Việt Nam có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Minh Nhị- nguyên Chủ tịch UBND tỉnh An Giang và Luật sư Nguyễn Ngọc Bích.

Thưa ông, những chủ trương quyết liệt của Chính phủ trong thời gian qua như cải tiến môi trường kinh doanh, bãi bỏ giấy phép con đã được ủng hộ và hoan nghênh, song vẫn còn tồn tại nhiều bất cập chưa được giải quyết như nạn tham nhũng, vòi vĩnh, các ông có biết thực hư chuyện này như thế nào?

Ông Nguyễn Minh Nhị: Những việc mà Chính phủ và các cơ quan chức năng đang tiến hành là cần, là quan trọng nhưng vẫn chưa chạm được tới gốc gác vấn đề.

Bản chất của vấn đề không nằm ở thủ tục, cải cách hành chính mà ở công tác cán bộ. Chuyện này nguy hiểm vì nó không có điểm dừng, cho nên có nhiều vấn đề gọi tên không được.

Nguyên cả bộ máy thực hiện mà không gọi tên được thì có ai lên tiếng? Vì vậy không thể quy trách nhiệm. Mà nếu có quy được thì cũng khó mà xử lý tới nơi tới chốn.

Anh thử đi hỏi những đối tượng như doanh nhân hay luật sư, những người trực tiếp cọ xát với bộ máy đang được cải cách mà xem. Cái gì đang thực sự cản trở, thậm chí “chống cự”, sau đó bắt tay cải cách chính những đó.

doanh nghiệp, thủ tục hành chính, chính sách,vợ chồng

Doanh nghiệp sợ nhất là “phí” không chính thức

Thưa ông Nguyễn Ngọc Bích, là người gần gũi, gắn bó với doanh nghiệp, ông nhận thấy những cải cách mạnh mẽ, quyết liệt của Chính phủ, đặc biệt là Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc thời gian qua đã ảnh hưởng tích cực đến môi trường kinh doanh như thế nào? Những cải cách ấy liệu có đủ mạnh để giúp Chính phủ đạt được mục tiêu từ “Chính phủ kiến tạo” thành “Chính phủ phục vụ”?

LS. Nguyễn Ngọc Bích: Chuyển đổi từ nhà nước quản lý sang nhà nước phục vụ là vô cùng khó khăn. Khó khăn lắm.

Doanh nghiệp sợ nhất là “phí” không chính thức, tức là phí chạy công việc cho người phụ trách trực tiếp và sếp của ông ấy phía sau. Luôn có 2 người như vậy. Gọi nôm na là phí “bôi trơn” đấy.

Doanh nghiệp hoạt động phải chịu nhiều loại phí. Nhưng tất cả các loại phí khác không sợ bằng phí “bôi trơn”.

Bản chất là tiền hối lộ phải không ạ?

LS. Nguyễn Ngọc Bích: Đúng rồi! Đó là tiền hối lộ!

Bên đưa hối lộ hoàn toàn tự nguyện trong chuyện này nên im lặng, chấp thuận cho nên phải tốn tiền mà không kêu ca gì?

LS. Nguyễn Ngọc Bích: Đúng. Không kêu được. Vì nếu kêu thì không được việc. Người ta sử dụng quyền chứ không phải giúp đỡ! Cho nên đổi từ Nhà nước quản lý sang Nhà nước phục vụ khó lắm.

Có nhiều thủ tục hành chính ẩn trong các điều khoản của các Thông tư, Nghị định được loại bỏ, có nghĩa là đã tháo bớt rào cản pháp lý và gỡ bỏ những “công cụ” cứng nhắc không phù hợp…. Vậy sao dường như những khó khăn liên quan tới thủ tục hành chính cho doanh nghiệp vẫn còn rất nhiều chuyện đến mức có những doanh nghiệp có cảm giác gần như chưa sửa được gì? Mấu chốt là ở đâu vậy?

LS. Nguyễn Ngọc Bích: Ví dụ tôi là chủ tòa nhà văn phòng này, tôi ra quy định rất nghiêm là phải tận tình, đàng hoàng với khách đi vào đây làm việc. Nhưng người bảo vệ , tức người trực tiếp sẽ cho khách vào hay không cứ muốn “tranh thủ” kiếm chác, vòi vĩnh khách. Ai muốn vào phải đưa tiền, còn không tìm mọi cách đòi hỏi phải thế này thế kia để không xòe tiền ra thì không vào được.

Môi trường pháp lý của chúng ta đang trong tình trạng như thế!

Có nghĩa là, quy định hay luật có nghiêm tới đâu đi nữa thì người trực tiếp phụ trách công việc là rất quan trọng. Ta phải nhìn vào chỗ đó chứ đừng nhìn chỗ khác. Chỗ đó chính là gốc của vấn đề.

Nếu người viên chức làm việc với tâm thế phục vụ thì giấy phép con chẳng có ý nghĩa gì cả!

Tôi có thể hiểu, nhân tố con người quan trọng nhất trong mọi vấn đề?

LS. Nguyễn Ngọc Bích: Đúng, viên chức trực tiếp xử lý và người thủ trưởng phụ trách là quan trọng nhất. Quan trọng và quyết định hơn giấy phép con hay điều kiện kinh doanh rắc rối. Giống như quy định vào tòa nhà như thế nào không quan trọng bằng anh gác cửa vậy!

Nếu đã biết vậy, tại sao không tập trung xử lý anh gác cửa? Chắc chắn khách mà không vào tòa nhà được, họ sẽ chẳng ngại ngần gì mà không phản ánh với chủ nhà?

LS. Nguyễn Ngọc Bích: Cái đáng nói là không xử lý được. Tức là không chế tài được!

Cho nên, trong nhiều trường hợp doanh nghiệp muốn giải quyết công việc thì đành chấp nhận “dàn xếp dưới gầm bàn” cho xong!

Biết là vô lý nhưng không còn cách nào khác!

Theo ông, lý do tại sao lại không chế tài được? Nếu đã có quyết tâm làm tới cùng thì sẽ có cách? Theo ông, có hay không, vấn nạn này cứ dai dẳng nguyên do là có sự “tiếp tay ngầm” từ phía doanh nghiệp?

LS. Nguyễn Ngọc Bích: Anh nói thế chứ không làm được đâu. “Đấu tranh” thì “tránh đâu”. Công việc mà không giải quyết xong thì sao mà làm ăn được.

Còn chế tài cán bộ làm sai hay vòi vĩnh, gây khó cho doanh nghiệp? Tôi kể chuyện này để anh tự rút ra câu trả lời. Hãy xem trường hợp ở TP.HCM, Bí thư Đinh La Thăng đi kiểm tra chỉ đạo cách chức trưởng phòng TN – MT huyện Hóc Môn thì biết, nhiêu khê vô cùng. Nếu báo chí không vào cuộc có khi còn kéo dài nữa!

Có tình trạng là cấp trên có chính sách tốt nhưng cấp dưới sẵn sàng có “đối sách” đối phó quyết liệt không kém, có khi vô hiệu hóa tất cả chỉ vì lợi ích cục bộ!

(Còn nữa)

Duy Chiến thực hiện


Xếp ‘ghế’ cho con, cho vợ như… ‘làm xiếc’

Chả thiếu chuyện xếp ghế cho con, cho vợ của ai đó có quyền cứ như “làm xiếc”, cứ như “chuyện thường ngày ở huyện”: Chuyện đời nó phải thế có chi mà lạ (?)

Quốc hội Khóa XIV, Kỳ họp thứ 2 đang nóng bỏng với bao việc trọng sự bàn việc nước, lo việc dân.

Cử tri cả nước chờ đợi những quyết sách mới từ vĩ mô để đất nước vượt ra khỏi “vòng xoáy” của nền kinh tế quốc gia chưa bền vững.

Nhưng dư luận cuộc sống lại xoay tròn câu chuyện chọn người tài, hay người nhà, nghe rất lạ tai. Đó là chuyện Sở Lao động, Thương binh và Xã hội (LĐ, TB và XH) tỉnh Hải Dương chỉ có 46 người mà tới 44 là lãnh đạo!

Dư luận cho rằng vụ việc ở Hải Dương như thế không bình thường, là việc lớn và càng thấy người đứng đầu Đảng ta đã nhiều lần nói đến bệnh xa dân, không chịu gần dân và chưa đặt sự “trọng dân” là mối lo lớn của Đảng. Nhìn rộng xa, đâu chỉ có Hải Dương mới ồn ã câu chuyện người nhà, chuyện thừa ghế chức nọ, quyền kia. Một thời các bộ, ngành cũng rộn rã chuyện dư thừa cấp thứ trưởng. Mới đây là chuyện Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Thanh Hóa có tới 8 ghế phó giám đốc. Rồi bao vụ “ký tá” vội vàng cả loạt trước khi hạ cánh nghỉ hưu cho người nhà, cho “thân tín, huynh đệ” đây đó cũng đủ eo xèo. Chả thiếu chuyện xếp ghế cho con, cho vợ của ai đó có quyền cứ như “làm xiếc”, cứ như “chuyện thường ngày ở huyện”: Chuyện đời nó phải thế có chi mà lạ (?)

Đảng, QH, Chính phủ rất quyết liệt “đột phá” mạnh mẽ vào thủ tục hành chính, vào bộ máy công chức quá cồng kềnh đang làm nặng nề các cơ quan công quyền. QH quyết tâm sẽ “sờ đến” các dự án đầu tư “ngẫu hứng” ném ra nghìn tỷ, nhiều nghìn tỷ “đắp chiếu trùm mền” lãng phí đang làm nặng gánh đất nước cũng là xem chân dung ai ký tá, ai đứng đầu những DN “cậu giời” này giờ ở đâu?

Không hiểu các cơ quan thanh tra, kiểm tra có nhìn thấy không? Nơi các tỉnh, huyện nào làm ăn yếu kém đều có chuyện thiếu minh bạch trong chức nọ, quyền kia. Hãy nhìn lại các tập đoàn, tổng công ty, các DN nhà nước có vấn đề về kinh tế thất thoát, đều “ẩn” trong đó những trớ trêu của câu chuyện “ghế đứng, ghế ngồi” xếp cho thân hữu, người nhà, nghe mới giật mình thay!

Cái gì cũng đúng quy trình! Vụ việc nào “phơi ra” cũng bảo không sai, cũng nói đề bạt cất nhắc đều trong quy hoạch, đều đúng quy trình quy chế.

Vẫn hay: Động đến con người là luôn nhạy cảm. Thế nên chuyện Bí thư Mỹ Đức (Hà Nội) có 10 người nhà làm cán bộ cũng là do ngẫu nhiên. Thế nên chuyện Bí thư Hà Giang với cả dây dợ anh em ghế nọ, chức kia là tự thân vận động, cũng hết sức tự nhiên… Nhưng dù có nói đúng quy trình, nói “ngẫu nhiên” gì đi chăng nữa, nhưng đó là cái “đúng” không lọt tai dân, là “cái không sai”, cái ngẫu nhiên nhưng “nghịch mắt” dân!

Càng thấy quyết liệt tái cấu trúc nền kinh tế đã khó. Nhưng tái cấu trúc lại đội ngũ người đứng đầu các cơ quan, DN, chọn tuyển cho đúng người tài năng tâm huyết, xem ra còn khó khăn hơn.

Đã nhìn thấy tình trạng đạo đức một bộ phận công chức ở các lĩnh vực xuống cấp. Xuống cấp trong hành xử trong công việc, xuống cấp trong tiếp xúc với dân ở cả trong cơ quan và bên ngoài công sở, nơi cuộc sống lúc nào cũng “chiếu thẳng” những chiếc gương soi. Những cán bộ kiểu như thế rõ ràng làm mất niềm tin với một nền công vụ, mất đi hình ảnh đẹp về đội ngũ thực thi công quyền của đất nước trong mắt người dân.

Chọn người tài, hay người nhà? Câu hỏi của người đứng đầu Chính phủ đang cần cách nhìn nhân văn. Đất nước cần tài năng thì dù là con cháu cô bác còn nghèo, hay cháu con lãnh đạo có quyền uy đều rất quý. Nhưng ai đó lợi dụng uy quyền, lộng quyền, lạm quyền, mà “ký tá” đón rước đưa vào cơ quan chính quyền, các DN lớn nhà nước toàn người nhà thân hữu “non tài, kém đức” chỉ nhăm nhăm vụ lợi đục khoét, dứt khoát phải kiên quyết loại thẳng tay!

Hà Phương/ Theo Đại biểu Nhân dân

*Tiêu đề bài viết do Tuần Việt Nam đặt

Ông Trần Đăng Tuấn bàn về chuyện làm từ thiện

Hoạt động cứu trợ khi có thiên tai trước hết và chủ yếu là công việc của hệ thống bộ máy nhà nước. Chỉ nhà nước mới có quyền lực để huy động cấp tốc phương tiện hiện đại, nhân lực chuyên nghiệp, các nguồn lực lớn khác để ứng phó. Đó là điều Nhà nước đang làm. Bên cạnh đó, đóng góp tự nguyện của người dân rất quan trọng và về ý nghĩa thì rất sâu sắc.

Năm 2006, cơn bão Chan Chu, tiếp theo là cơn bão số 6 gây hậu quả khốc liệt về người và của cho Miền Trung. Cả nước hướng về Miền Trung, nhiều đoàn thiện nguyện chở hàng hoá cứu trợ về khu vực bị nạn. Có những sự lúng túng nhất định trong việc phân phối cứu trợ. Đặc biệt đã xảy ra tai nạn thảm khốc đối với đoàn cứu trợ của một phường từ Thành phố HCM ra Đà Nẵng ủng hộ đồng bào bị thiệt hại bởi cơn bão số 6, khiến 12 người thiệt mạng.

Có lẽ tai nạn giao thông này là nguyên do trực tiếp dẫn đến có nhiều ý kiến và dư luận cho rằng cần phải có sự tổ chức chặt chẽ hơn hoạt động cứu trợ thiên tai. Và năm 2008 Nghị định 64/2008/NĐ-CP được ban hành, quy định việc vận động, tiếp nhận, phân phối và sử dụng các nguồn đóng góp tự nguyện hỗ trợ nhân dân khắc phục khó khăn do thiên tai, hoả hoạn và các sự cố nghiêm trọng, các bệnh hiểm nghèo.

từ thiện, quyên góp, cứu trợ, lũ lụt miền Trung
Ông Trần Đăng Tuấn

Nghị định này khuyến khích người dân ủng hộ đồng bào khu vực thiên tai và gặp khó khăn đặc biệt, nhưng theo một cơ chế là việc vận động quyên góp, phân bổ tiền, hang quy vào các đầu mối lớn như Mặt trận Tổ quốc, Hội chữ thập đỏ, chính quyền các cấp ở địa phương, và các tổ chức xã hội từ thiện có tư cách pháp nhân. Các tổ chức, đơn vị, cá nhân khác không được đứng ra vận động và phân phối hàng, tiền cứu trợ.

Xuất phát từ chỗ tạo hành lang để hoạt động cứu trợ diễn ra có tổ chức, phân phối hợp lý tiền và hàng cứu trợ, giảm thiểu các rủi ro khi người dân và nhóm từ thiện vào vùng thiên tai, tránh các hiện tượng cá nhân mượn lốt từ thiện để vụ lợi…nhưng các quy định trong Nghị định rõ ràng hạn chế sáng kiến của cá nhân, nhóm tự nguyện, đồng thời cũng chất lên vai các tổ chức lớn (Như MTTQ và Hội CTĐ) những gánh nặng quá lớn mà họ thực tế khó kham hết nổi. Đọc kỹ Nghị định này, thấy quy trình cồng kềnh, nhiều điểm chưa phù hợp thực tế.

Các tổ chức được Nghị định 64 trao quyền tổ chức quá trình vận động, tiếp nhận, phân phối cứu trợ cũng đã nỗ lực và làm được khối lượng công việc lớn. Nhưng cũng đã xảy ra các trường hợp nơi tiếp nhận đồ cứu trợ tự nguyện ngại nhận đồ vì thiếu kho bãi, phương tiện vận chuyển, người quản lý. Việc phân phối không tận tay, có những vụ việc lùm xùm phản cảm. Lòng tin của người dân vào cung cách tiếp nhận, phân phối giảm sút do các hiện tượng này. Có lúc sự nghi ngờ thiếu tin tưởng nói trên là thái quá, nhưng nó là hệ quả khó tránh do tác động từ một vài bê bối lớn nhỏ đã xảy ra.

Bản chất hoạt động xã hội từ thiện là hoạt động của xã hội lành mạnh. Một cơ chế gò ép là trái với bản chất này. Vì vậy không có gì đáng ngạc nhiên là từ khi ra đời phần nội dung quy định: Không một tổ chức, đơn vị, cá nhân nào khác (ngoài các tổ chức được nêu trong Nghị định) được quyền tổ chức tiếp nhận tiền, hàng cứu trợ có trong Nghị định chưa bao giờ được thực thi chặt chẽ trên thực tế. Hàng ngàn nhóm từ thiện, hàng triệu cá nhân đóng góp thiện nguyện hàng năm vẫn tiến hành hoạt động quyên góp và cứu trợ tình nguyện, có phối hợp và dựa vào thông tin, hướng dẫn của chính quyền, đoàn thể tại địa phương, nhưng không thông qua các tổ chức “chính thống”.

Hoạt động cứu trợ sau lũ lụt ở các tỉnh Miền Trung vừa xảy ra thêm một lần nữa khẳng định hoạt động thiện nguyện rộng rãi của các nhóm, đơn vị, tổ chức, cá nhân riêng lẻ độc lập diễn ra không trong khuôn khổ các quy định của Nghị định 64/2008.

Có hai vấn đề đặt ra:

1- Nhiều nội dung của Nghị Định 64 không phù hợp với tính chất của hoạt động xã hội – từ thiện. Nó nên được thay thế bằng các quy định phù hợp hơn với thực tế, trên cơ sở tôn trọng sáng kiến của người dân và quyền lựa chọn kênh tiếp nhận ủng hộ của người dân. Không có tổ chức nào dù lớn, dù có mạng lưới rộng khắp, lại có thể thay thế hoàn toàn sự năng động, nhạy bén của những nhóm quyên góp, cứu trợ, của hàng triệu người dân có tấm lòng hỗ trợ đồng bào khi hoạn nạn.

2- Hoạt động cứu trợ quần chúng tự phát dĩ nhiên có những khía cạnh chưa hợp lý mà bản thân những cá nhân, đơn vị độc lập tham gia vào việc này cũng nhận thấy. Đó là thiếu thông tin chính xác, chi tiết về nơi, đối tượng cần hỗ trợ, vật phẩm và mức độ hỗ trợ thực tế cần thiết. Sự trùng lặp, nơi thiếu, nơi thừa xảy ra là chuyện khó tránh khi các nhóm cứu trợ hoạt động riêng rẽ, thiếu thông tin chung, không liên hệ được với nhau để phối hợp.

Rõ ràng trong hoạt động này bản thân họ cũng muốn có sự điều tiết để nhiệt tình, công sức, của cải mà họ thay mặt người ủng hộ mang đến trao đúng người, đúng chỗ, đúng lúc, đúng mức cần thiết. Sự điều tiết này không nên được thực hiện trong khuôn khổ cơ chế cứng, mang nặng tính hành chính thể hiện trong Nghị định 64. Vậy nó nên thực hiện trên cơ sở nào?

Thay cho cơ chế liên kết cứng, nên tạo điều kiện để ra đời liên kết mềm giữa các cá nhân, đơn vị làm từ thiện với nhau và với các tổ chức “chính thống”. Liên kết cứng dựa trên quy định hành chính. Liên kết mềm dựa trên dữ liệu thông tin chung cho tất cả những ai làm cứu trợ. Nó cho biết các địa điểm, đối tượng cần cứu trợ, sự thay đổi của nhu cầu, thông tin về việc có những hỗ trợ nào đã được thực hiện tại từng địa điểm, nó phản ánh các biến động về nhu cầu ở mỗi khu vực bị nạn, người gặp nạn. Đã có những nỗ lực xây dựng dạng ngân hàng dữ liệu kiểu này, có mục đích tạo ra liên kết mềm bằng thông tin cho mọi nhóm cứu trợ độc lập. Trang Bản đồ từ thiện mà báo Lao động mới khai trương là một ví dụ.

Tất nhiên các tổ chức “chính thống” đã, đang và sẽ đóng vai trò rất lớn trong hoạt động cứu trợ, từ khâu vận động đến phân phối cứu trợ. Nhưng nên điều chỉnh ưu tiên hoạt động. Song song với việc trực tiếp đứng ra tiếp nhận rồi phân phối, hệ thống các cấp chính quyền, MTTQ, Hội Chữ thập đỏ hãy lấy chức năng vận động và cung cấp thông tin hướng dẫn là nhiệm vụ quan trọng nhất, qua đó điều tiết dòng chảy của nguồn lực cứu trợ nhưng không bắt buộc các hoạt động tự nguyện phải “quy về đầu mối” một cách cứng nhắc.

Sự chuyển hướng này là cần thiết vì không ai lại đi ngăn cản hoạt động thiện nguyện cho đồng bào hoạn nạn chỉ vì các hoạt động đó không hoàn toàn theo các quy định cứng.

Trần Đăng Tuấn

Hà Nội chật lắm, Hà Nội cần phát triển…

Có gì liên quan giữa hàng xà cừ cổ thụ trên đường Láng và tầng trệt chứa đầy khung tranh nhập từ Trung Quốc ở 65 Nguyễn Thái Học?

Có lần tranh luận với một bạn trẻ về hàng xà cừ trên đường Láng, tôi bảo, Hà Nội chật lắm, và Hà Nội cần phát triển, những hàng cây này rồi cũng phải nhường đất cho đô thị, giống như những ruộng húng Láng phía bên kia...

Bạn ấy không đồng ý. Nhưng cũng không cố gắng kéo dài cuộc tranh luận mà lẽ ra, tôi phải là người ở phía bên giữ gìn những gì xưa cũ của thành phố này và bạn trẻ, phải là người bảo vệ nhiệt thành cho một không gian đậm đặc hơn của đường xá và cao ốc.

Hôm nay, mà chẳng phải vậy, ngay lúc đó, tôi biết mình đã sai, nhưng hôm nay, khi ngọn lửa bùng lên từ khu vực chứa khung tranh của hộ kinh doanh tầng 1 Nguyễn Thái Học, thì chính xác tôi đã thua trắng bụng.

Có gì liên quan giữa hàng xà cừ cổ thụ trên đường Láng và tầng trệt chứa đầy khung tranh nhập từ Trung Quốc ở 65 Nguyễn Thái Học? Đó là sự tiếc nuối cho những khung cảnh xưa vốn cũ của Thành phố này đang dần dần tàn lụi trước sự xâm thực của phát triển và sinh kế.

cây xanh, văn hóa, phố Nguyễn Thái Học, khung tranh
Ảnh: VnExpress

Những người yêu Hà Nội, một Hà Nội văn hiến, đều biết đến Ngôi biệt thự số 65 Nguyễn Thái Học, nơi sinh sống của những Nguyễn Phan Chánh, Nguyễn Tư Nghiêm, Nguyễn Sáng, Dương Bích Liên, Đỗ Nhuận... và những nghệ sĩ thế hệ thứ hai như Đỗ Hồng Quân, Chiều Xuân. Những căn gác nhỏ cứ nhỏ dần theo năm tháng bởi nghệ sĩ thì mãi nghèo mà con cái, cháu chắt của nghệ sĩ thì tiếp tục sinh sôi.

Thực là một sự hài hước, nhờ hồn cốt của một thế hệ cầm cọ mà tầng 1 của 65 Nguyễn Thái Học được nhiều người biết đến, và giá trị thương mại của cái tổ ấm nghệ sĩ này được khéo léo khai thác thành nơi buôn bán tranh chép, tranh chợ và khung tranh các loại. Những không gian sinh sống của nghệ sĩ "xịn" thì thu hẹp theo năm tháng, tỷ lệ nghịch với sự phình ra của thị trường a dua nghệ thuật. Nhiều người giàu nhanh, nhanh đến mức không còn thời gian trang bị cho mình những kiến thức cơ bản về nghệ thuật, và để cho kịp với đồng bạn, họ vội vàng giao phó thẩm mỹ của mình cho những thợ vườn. Nghệ thuật chợ và nghệ thuật giả phát triển đáp ứng nhu cầu tất yếu của xã hội, xung lực kinh tế mà nó tạo ra đủ mạnh để đẩy lùi mọi giá trị chân chính vào những căn gác xép. Điều này thật rõ khi so sánh không gian sống và không gian kinh doanh của những cư dân 65 Nguyễn Thái Học.

Để rồi 11 giờ trưa 23 tháng 10... ngọn lửa của sự bất cẩn đã bùng lên từ đống khung tranh hàng chợ. Đám cháy bốc lên trong sự hoảng sợ của những cư dân... những người đã nhiều lần chờ đợi một sự đoái thương của cơ quan hữu trách đối với không gian sống nhỏ bé của mình.

Không chỉ là một ngôi biệt thự cổ. Những giá trị văn hóa mà không gian này rõ ràng xứng đáng để Hà Nội văn hiến ngàn năm bỏ ra một số tiền, chắc là nhỏ hơn nhiều so với tiền tiết kiệm được từ việc cắt cỏ, thay cây, làm sạch nước hồ Hố Mẻ để gìn giữ lại một địa chỉ văn hiến của một thời lừng lẫy.

Có một nhà văn, nếu tôi nhớ không lầm, trong một tiểu luận không tiện nêu tên, đã từng viết đại ý, khi bạn đi qua một con phố, nghe thấy tiếng dương cầm vọng ra từ cửa sổ của một ngôi biệt thự, bạn sẽ thấy thành phố đó, đất nước đó thật thanh bình.

Tiếc là những tiếng dương cầm, vốn đã rất hiếm hoi, ngày lại càng vắng vẻ trên phố phường Hà Nội.

Vụ cháy ở 65 Nguyễn Thái Học không chỉ khiến người ta cảm thấy thêm một lần lo lắng về sự an toàn của cư dân Hà Nội, mà nó còn lộ ra một sự xót xa khi chúng ta đang ứng xử thiếu văn minh với quá khứ của chính mình.

Tôi mừng, vì tôi đã thua bạn trẻ mà mình tranh luận.

Bởi vì tôi tin, nếu mình không làm được gì, thì bạn trẻ đó, và thế hệ của em sẽ có cách ứng xử công tâm hơn đối với những giá trị văn hóa của Thành phố này.

Lại Trọng Tình

'Người được bổ nhiệm sai cần trả họ về đúng vị trí'

"Chúng ta không né tránh! Người được bổ nhiệm sai thì trả họ về đúng vị trí và xử lý người có trách nhiệm, có thẩm quyền."

Đại biểu Quốc hội Phạm Tất Thắng – Phó Chủ nhiệm Uỷ ban VH-GD-TN-TN-NĐ của Quốc hội nhấn mạnh điều này khi trả lời VOV.VN về nhiều trường hợp bổ nhiệm gây dư luận không tốt nhưng vẫn “đúng quy trình”.

Trường hợp bổ nhiệm gây dư luận có là cá biệt?

PV: Qua nhiều vụ việc bổ nhiệm cán bộ vừa qua mà dư luận và báo chí phản ánh, theo ông, liệu có kẽ hở nào về quy trình?

Đại biểu Phạm Tất Thắng: Một loạt sự việc không chỉ vừa rồi mà nhiều sự việc trước đó khi có vấn đề xảy ra, dư luận và báo chí vào cuộc thì cơ quan có trách nhiệm đều trả lời “đúng quy trình”. Công tác cán bộ có chủ tương của Đảng, có kế hoạch, chỉ thị rồi đến Nghị quyết của chính quyền khá rõ, có lộ trình, có tiêu chuẩn, điều kiện... nhưng tại sao vẫn có hiện tượng như vậy?

Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng, Đúng quy trình, Bố bổ nhiệm con, cả họ làm quan

ĐBQH Phạm Tất Thắng – Phó Chủ nhiệm Uỷ ban VH-GD-TN-TN-NĐ

Tôi cho là đúng quy trình và quy trình đúng. Như vậy ở đây việc thực hiện quy trình không đúng, tức yếu tố chủ quan, liên quan đến người thực thi. Do đó cần rà soát xem các trường hợp gây dư luận đó chỉ là cá biệt hay phổ biến ở một mức độ nào đó. Trên cơ sở đó đánh giá lại tiêu chuẩn, quy trình để cụ thể và hặt chẽ hơn nữa.

Cùng với đó là phải quan tâm vấn đề thực hiện quy trình, yếu tố chủ quan để quy định rõ trách nhiệm từng cấp, từng khâu trong những việc đã được phát hiện cũng như sự việc sắp tới qua thanh kiểm tra phát hiện ra thì phải xử lý nghiêm minh.

PV: Bộ trưởng Bộ Nội vụ cho biết đang yêu cầu các tỉnh gửi báo cáo để tổng hợp về việc bổ nhiệm cuối nhiệm kỳ. Điều này là cần thiết, thưa ông?

Đại biểu Phạm Tất Thắng: Qua những thông tin phản ánh về bổ nhiệm như Hải Dương thì cơ quan quản lý Nhà nước cần có đánh giá tổng thể về việc sử dụng đội ngũ cán bộ công chức, viên chức.

Qua đó để xem có phát hiện ra trường hợp khác không, đánh giá trường hợp đó là cá biệt hay có vận dụng như phóng viên nêu là tình trạng bổ nhiệm cuối nhiệm kỳ.

Nhiệm kỳ trước cũng đã có vụ việc mà dư luận và báo chí rất quan tâm, nên nhân sự việc này chúng ta cần rà soát tổng thể, kể cả bổ nhiệm cuối nhiệm kỳ để xem có bổ nhiệm ồ ạt hay không.

PV: Để xảy ra những sự việc được coi là bất thường trong bổ nhiệm cán bộ rõ ràng có trách nhiệm của các cơ quan liên quan, thưa ông?

Đại biểu Phạm Tất Thắng: Quy trình bổ nhiệm khá chặt chẽ, từ chủ trương đến quy hoạch, bồi dưỡng, sử dụng... và có sự phân cấp nhất định.

Cấp lãnh đạo Sở có thẩm quyền và trách nhiệm trực tiếp bổ nhiệm lãnh đạo cấp phòng. Tuy nhiên, như ngành Nội vụ phê duyệt, kiểm tra hàng năm thế nào? Rồi cấp uỷ cấp trên kiểm tra thế nào trong thực hiện nhiệm vụ, quy hoạch vì hàng năm đều có báo cáo, nhất là công tác nhân sự.

Mạnh dạn trả người được bổ nhiệm về vị trí cũ

PV: Liên quan đến việc bổ nhiệm cán bộ ở một Sở nhưng Thủ tướng đã giao Bộ Nội vụ thực hiện thanh tra công vụ. Theo ông, điều đó nói lên điều gì?

Đại biểu Phạm Tất Thắng: Sự chỉ đạo nhanh, quyết liệt của Thủ tướng là cần thiết. Việc thanh tra cũng liên quan câu hỏi liệu có chuyện bổ nhiệm ồ ạt cuối nhiệm kỳ hay không, qua thanh tra công vụ ở Sở này rút ra bài học gì.

Việc thanh tra công vụ không chỉ dừng ở một vụ việc cụ thể ở Hải Dương mà trên bình diện rộng hơn để xem việc quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, bổ nhiệm, sử dụng cán bộ thế nào, gắn với tinh giản biên chế, sắp xếp lại đội ngũ công chức, viên chức.

Sự chỉ đạo của Thủ tướng nhằm đến mục tiêu lớn hơn là một sự việc cụ thể ở một Sở.

PV: Nếu qua thanh tra khẳng định thông tin báo chí phản ánh là chính xác thì chắc chắn sự việc sẽ được xử lý quyết liệt?

Đại biểu Phạm Tất Thắng: Qua kiểm tra, thanh tra để quy trách nhiệm cụ thể nếu để xảy ra sự việc. Người có thẩm quyền bổ nhiệm nếu làm sai, lợi dụng thì sai đến đâu phải xử lý. Cá nhân được bổ nhiệm mà sai vị trí, chức năng nhiệm vụ được phê duyệt thì cần mạnh dạn trả lại vị trí theo đúng yêu cầu sử dụng của bộ máy.

PV: Báo cáo của Uỷ ban Tư pháp cho biết dư luận cử tri và báo chí phản ánh có một số trường hợp lạm dụng quy định để bổ nhiệm người thân, bổ nhiệm ồ ạt cuối nhiệm kỳ... gây bất bình trong dư luận. Quan điểm của ông như thế nào về nhận định này?

Đại biểu Phạm Tất Thắng: Vừa rồi hàng loạt vụ việc dư luận và báo chí nêu, từ việc bổ nhiệm người nhà ở một số địa phương, rồi một Sở chỉ có 2 chuyên viên... thì có liên quan đến người có chức vụ, quyền hạn.

Không chỉ trong báo cáo của Uỷ ban Tư pháp khi thẩm tra về báo cáo công tác phòng chống tham nhũng năm 2016 mà ngay cả báo cáo tổng hợp kiến nghị cử tri của Uỷ ban Trung ương MTTQ Việt Nam trong phiên khai mạc Kỳ họp thứ 2 vừa qua cũng nêu cử tri và nhân dân cả nước quan tâm vấn đề này, nó gắn với vấn đề lợi ích nhóm, tham nhũng, tiêu cực.

Một Chủ tịch HĐQT của một công ty lớn gây thất thoát, thua lỗ hàng nghìn tỷ vẫn được đề bạt, bổ nhiệm ở vị trí cao hơn thì rõ ràng ở đây có yếu tố chủ quan, có nâng đỡ nào đó. Tôi cho đó là nhận định có cơ sở.

PV: Trung ương vừa qua cũng nhấn mạnh giải pháp kiểm tra, giám sát để tăng cường chỉnh đốn Đảng. Với công tác cán bộ, vấn đề này càng phải được chú trọng, thưa ông?

Đại biểu Phạm Tất Thắng: Có quản lý, lãnh đạo là có kiểm tra, giám sát. Qua những vụ việc cụ thể vừa qua thì có thể nói chức năng này ở nơi đó chưa làm tốt lắm!

Kiểm tra, giám sát vừa là một chức năng của quản lý từ cấp trên đến cấp dưới, rồi của cơ quan chuyên ngành với hệ thống, tuy nhiên, thời gian qua có lẽ làm chưa tốt nên cần tăng cường.

Tôi cho rằng việc quan trọng của thanh kiểm tra là phát hiện cả những “mầm mống” có thể dẫn đến sai phạm để ngăn chặn, tránh xảy ra hậu quả.

PV: Xin cảm ơn ông!./.

Ngọc Thành/ TheoVOV.vn

"Làm lãnh đạo bao năm, tôi vẫn chưa hiểu 'phê bình nghiêm khắc' là thế nào"

“Thú thật đã từng làm lãnh đạo bao nhiêu năm tôi vẫn không hình dung ra nổi hình thức kỷ luật “phê bình nghiêm khắc” là như thế nào. Luật hoặc các quy định không hề có loại khái niệm như vậy và thực tế cũng không hề có!”- ông Nguyễn Minh Nhị bộc bạch.

Tuần Việt Nam giới thiệu kỳ 2 cuộc trò chuyện với ông Nguyễn Minh Nhị, nguyên Chủ tịch UBND tỉnh An Giang và LS. Nguyễn Ngọc Bích.

Kỳ 1: Chính sách tốt ở trên, xuống dưới bị vô hiệu hóa

Có ý kiến cho rằng, một số biện pháp chế tài hiện nay vẫn chưa đủ mạnh để cán bộ Nhà nước phải làm tròn bổn phận công vụ?

LS. Nguyễn Ngọc Bích: Tôi đồng hành, trợ giúp pháp lý cho doanh nghiệp nên thấu hiểu rõ.

Chính quyền nào cũng hoạt động theo thể chế có thể vận hành từ trên xuống dưới, từ phải qua trái. Tất cả các thể chế hành chính đều vận hành như vậy hết.

Ở ta, khi một người đứng đầu vi phạm quy chế công vụ, nhũng nhiễu doanh nghiệp, nếu bị tố giác hay bị phát hiện thì việc xử lý đầu tiên là về mặt Đảng.

Có một qui luật chung là nếu quyền lực mà không bị chế tài, kiểm soát thì ắt sinh ra lạm quyền, xem thường pháp luật!

thể chế, chính quyền, doanh nghiệp, hành chính
LS Nguyễn Ngọc Bích. Ảnh: Trần Bình

Ông Nguyễn Minh Nhị từng có thời gian dài làm trong bộ máy chính quyền. Từ những bài học thực tiễn, ông có chia sẻ như thế nào với ý kiến của LS. Nguyễn Ngọc Bích?

Ông Nguyễn Minh Nhị: Ý kiến này rất đúng, rất chính xác!

Ở ta đây đó vẫn có hiện tượng, khi có lỗi, có sai thì họ lại viễn dẫn “ việc này của tập thể cấp ủy”, ì vậy không quy trách nhiệm được.

Vậy thì điều gì đang khiến cho hiệu lực pháp luật chưa thực sự mạnh mẽ?

Ông Nguyễn Minh Nhị: Nếu công tác “lãnh đạo” và công tác “quản lý” mà lệch pha sẽ không chỉ làm giảm hiệu lực mà còn phát sinh ra một thứ văn hóa “nịnh bợ” rất tệ hại.

Lẽ thông thường xưa nay cấp dưới nịnh cấp trên. Nhưng ở ta cấp trên phải nịnh cấp dưới. Làm lãnh đạo vừa phải nịnh cấp trên và vừa nịnh cấp dưới. Bởi không nịnh cấp dưới thì bầu cử họ không bầu cho. Bầu thi đua ở cơ quan cũng không được chứ đừng nói những cái khác xa hơn.

Khi anh lãnh đạo ra ứng cử thì đưa ra tổ dân phố bình bầu. Cho nên phải nịnh tất tần tật. Bởi vậy cho nên người lãnh đạo đôi khi cũng khó nghiêm khắc, quyết liệt.

thể chế, chính quyền, doanh nghiệp, hành chính
Ông Nguyễn Minh Nhị. Ảnh: Tuổi trẻ

Thời kỳ ông Nguyễn Minh Nhị giữ cương vị Chủ tịch UBND tỉnh An Giang, ông có gặp phải trường hợp nào tương tự không?

Ông Nguyễn Minh Nhị: Sao mà tránh được?! Tôi cũng từng ra lệnh cách chức, kỷ luật, ra lệnh báo cáo …những trường hợp không chấp hành chỉ đạo. Nhưng cấp dưới chẳng làm thì cũng cười trừ chứ làm gì bây giờ?!

Cho nên, chúng ta muốn cải cách, thay đổi điều gì thì phải xác định và bắt đầu từ gốc rễ, bản chất của vấn đề.

Ông có thể nói cụ thể hơn?

Ông Nguyễn Minh Nhị: Gốc là cách lãnh đạo và quản lý đất nước và nền kinh tế này.

Có hiện tượng do năng lực yếu nên sợ, phải bủa lưới, phóng lao, bày ra cái này, cái kia để giữ cho được quyền hành, thể hiện qua việc ban hành nghị định, qui định. Cho nên mới có chuyện khi Chính phủ rà soát, yêu cầu tháo lưới ra, nhưng được ít bữa nữa có lãnh đạo mới thì lại tìm cách lẻn bổ sung thêm nhiều tấm lưới nữa.

Nếu muốn sửa phần gốc vấn đề thì phải sửa từ thể chế tổ chức, rồi cơ chế, pháp chế. Chứ hiện nay có hiện tượng cấp trên ra lệnh, cấp dưới không thi hành nghiêm túc nhưng cuối cùng chẳng làm gì được cả.

Ở Đài Loan ví dụ, nếu có động đất lớn mà nhà bị sập thì sẽ cho bắt chủ thầu ngay, mọi việc tính sau. Còn ta đây đó vẫn còn chuyện xử lấp lửng đánh lận con đen, nào là “kỷ luật phê bình nghiêm khắc”, “xử lý nghiêm khắc”!

Thú thật đã từng làm lãnh đạo bao nhiêu năm tôi vẫn không hình dung ra nổi hình thức kỷ luật “phê bình nghiêm khắc” là như thế nào. Luật hoặc các quy định không hề có loại khái niệm như vậy và thực tế cũng không hề có!

Xin cảm ơn ông Nguyễn Minh Nhị và LS. Nguyễn Ngọc Bích đã dành thời gian trao đổi.

Duy Chiếnthực hiện

"Chúng tôi thèm cơm, sợ mì ăn liền lắm rồi"

- "Ngay khi nghe lũ lụt, một bạn trong nhóm đã lên xe vào Quảng Bình. Tôi gửi tiền từ Ngân hàng Nông nghiệp cho bạn ấy và biết được người dân trong vùng lũ thèm cơm. Họ nói chúng tôi sợ mì ăn liền lắm rồi" - chị Thanh Chung - khách mời chuyên mục Hotface chia sẻ.

Thanh ChungPlay
Chị Thanh Chung nói về hoạt động thiện nguyện cho các em nhỏ vùng cao.
Thanh Chung 1Play
Những câu chuyện về việc làm tử tế, xúc động.
Thanh Chung 2Play
Xem toàn bộ phần 1 trò chuyện của chị Thanh Chung.

Nhà báo Hà Sơn: Xuất phát từ đâu chị gắn bó với công việc thiện nguyện?

Chị Thanh Chung: Tôi đã làm công việc thiện nguyện tròn 6 năm. Từ khi Hà Nội kỷ niệm 1000 năm Thăng Long, lúc ấy ở Quảng Bình bị lụt và tôi bị ám ảnh hình ảnh cánh tay giơ lên khỏi nóc nhà. Trong cơn hoạn nạn ấy, ở New York, tôi gửi về 200 đô la qua một người bạn làm ở UBND tỉnh Quảng Bình. Bạn đó liên kết được nhiều người cùng mang hàng cứu trợ những người đồng hương của mình.

Sau chuyến đi đó, bạn Hạnh Nguyên báo Dân trí tiếp tục thu gom cho những hoạt động khác. Thấy mọi người ủng hộ nhiều, các bạn của tôi đến gặp Hạnh Nguyên nêu vấn đề thành lập nhóm làm thường xuyên. Tôi có blog tên "Vì ta cần nhau" cũng đông bạn đọc. Mọi người nói lấy tên blog của tôi làm nhóm từ thiện và nó được ra đời như vậy.

Lúc đó chỉ có 11 chị em tham gia và đến giờ con số lên đến hàng nghìn người. Trong đó có cả nhóm từ Hungary, Đức, Úc, Mỹ đều gửi tiền về. Đặc biệt đợt lũ lụt Quảng Bình, Hà Tĩnh vừa qua các bạn ở Hungary lập tức chuyển về 1000$.

Nhà báo Hà Sơn: Thường trước mỗi hoạt động từ thiện nhóm của chị có khảo sát, tiếp cận nơi mình sẽ trao tiền hay các món quà?

Chị Thanh Chung: Nhóm của tôi 6 năm qua có rất nhiều mạng lưới cùng tham gia. Trước mỗi chuyến đi, chúng tôi đều liên lạc với sở giáo dục, phòng giáo dục của địa phương và lấy số liệu chính xác có bao nhiêu học sinh từng khối lớp sau đó gọi điện cho nhà sản xuất may quần áo. Chúng tôi dựa trên số liệu cụ thể, như lớp 1A có 20 em nữ, 30 em nam ở độ tuổi 6 đóng gói sẵn từng thùng đến nơi chỉ việc mở ra trao.

Chúng tôi rất cẩn thận nên không bao giờ đến mà thiếu của các con vì thiếu cũng làm chúng tủi thân. Chúng tôi cũng không nhận quần áo cũ bởi đứa cái cũ đứa cái mới làm cho chúng buồn. Chủ trương của chúng tôi là quần áo hoàn toàn mới. Có những nơi đi phát cho các con nhưng nhà trường giữ lại vì muốn các con mặc ở trường nhưng khi ở nhà chúng lại bị lạnh. Vì thế chúng tôi chủ yếu phát quà vào những ngày thường và báo phụ huynh để họ cùng con đến chứng kiến. Tan học phụ huynh dắt con trên tay ôm món quà thể hiện nó thuộc về họ chứ không thuộc về trường.

Nhà báo Hà Sơn: Nhóm từ thiện của chị hướng tới các em nhỏ vùng cao, tại sao lại là đối tượng này?

Chị Thanh Chung: Vì trẻ em là đối tượng yếu đuối nhất, nếu không bảo vệ - chúng không biết tự bảo vệ. Chúng tôi hướng về đối tượng trẻ em trong trường học nhằm mục đích tăng số lượng đến trường.

Có lần mang quần áo mới đến phát các điểm trường, có bà mẹ lao vào đòi nhận lập tức bị chính bà mẹ khác nói: "Mày không cho con đi học không được đâu". Chính vì điều đó chúng tôi chỉ phát cho trẻ con đi học để khuyến khích các em đến trường và nhận quần áo mới, sách vở mới. Sở dĩ chúng tôi quan tâm đến trẻ em mẫu giáo vì lên cấp 2 nhà nước có trường nội trú.

Nhà báo Hà Sơn: Chị chia sẻ chi tiết thú vị sẽ chỉ tặng những bộ quần áo mới chứ không phải quần áo cũ. Nhưng thực tế lâu nay nhiều tổ chức từ thiện kêu gọi quyên góp trên tinh thần ai có đồ không dùng gom tặng. Vì sao các chị lại lại có cách làm khác như vậy?

Chị Thanh Chung: Mỗi nhóm có tiêu chí riêng, nhóm quyên góp đồ đã qua sử dụng như "Thứ 7 vui" thu gom bán hoặc trao tặng nhưng chúng tôi lại nghĩ đã đem đến cho trẻ con thì như lời nói "Có sách mới áo hoa" chúng sẽ thích. Nếu mang đồ cũ, trẻ em cũng không vui. Thực ra, số tiền may cho trẻ em không lớn. Chỉ cần hai người lớn bớt đi một bữa ăn sáng đã may áo mới cho trẻ rồi.

Mang đến nhà dân bạn có thể dùng đồ cũ còn mang đến trường chủ trương của nhóm tôi phải là đồ mới. Bản thân tôi bên Mỹ cũng quyên góp những đồ dùng cũ, chọn lọc đồ đẹp gửi về Việt Nam rồi kêu gọi bán cho bạn bè lấy số tiền đó may quần áo mới cho trẻ em vùng cao.

Nhà báo Hà Sơn: Không chỉ hướng đối tượng là các em nhỏ vùng cao mà nơi nào có thiên tai, lũ lụt nhóm của chị cũng có những chia sẻ?

Chị Thanh Chung: Đúng vậy. Đây là lần thứ 2 chúng tôi có hàng về Quảng Bình ngay lập tức khi người dân gặp lũ lụt. Tôi vẫn nhớ lần đầu cách đây mấy năm, Quảng Bình cũng có trật lụt, lúc đó chúng tôi mua tôn ngay thị xã Hà Tĩnh, chuyển thẳng đến vùng lũ lụt để họ làm nhà.

Trận lũ vừa rồi ở Quảng Bình, ngay khi nghe tin, một bạn trong nhóm đã đi lên xe vào Quảng Bình, tôi chuyển tiền từ Ngân hàng Nông nghiệp cho bạn ấy và biết được người dân ở trong vùng lũ thèm cơm. Họ nói chúng tôi sợ mì ăn liền lắm rồi. Do vậy, nhóm chúng tôi mua gạo phát ngay tại chỗ cho mỗi hộ 20 cân và một triệu tiền mặt.

Có người thắc mắc tại sao lại đưa tiền vì sợ họ sử dụng không đúng chỗ. Nhưng chúng tôi nghĩ đưa tiền để nhà nào cần gì thì mua. Đợt vừa rồi chúng tôi chi gần 200 triệu cho đợt lũ. Chúng tôi cũng vừa khảo sát các trường học để chuyển chuyến hàng tiếp theo sẽ là sách vở, quần áo, chăn ấm cho các em nhỏ. Các hộ gia đình chúng tôi ủng hộ chỉ là nhất thời lúc khó khăn còn chăm lo cho đời sống các em tốt hơn là mục đích lớn chúng tôi đã vạch ra và sẽ theo đuổi.

Nhà báo Hà Sơn: Những việc tử tế nào chị chứng kiến trong hành trình đi làm từ thiện của mình?

Chị Thanh Chung: Trong quá trình đi làm từ thiện tôi gặp nhiều chuyện cảm động. Có một bác bán rau bên Gia Lâm lần nào tôi từ Mỹ về cũng gửi lúc 1 triệu lúc 2 triệu. Bác chỉ là người bán rau thôi nhưng rất có tấm lòng. Hay có người nhắn tin: "Cô ơi cháu chỉ có 200 ngàn và không thể góp được nhiều hơn". Nói chung nhiều người tử tế lắm.

Thực ra nhóm của tôi không có đại gia, chỉ góp chút ít rồi thành nhiều nhưng quan điểm của chúng tôi là muốn thay đổi ý thức xã hội. Nhóm chúng tôi một ngàn từ thiện cũng nhận, hai ngàn cũng nhận thậm chí có bạn không có tiền nhưng như tôi đã từng nói trên trang cá nhân của mình là hãy cho chúng tôi một tiếng vỗ tay để những việc làm được lan rộng như vậy cũng là tốt rồi.

Nhà báo Hà Sơn:Nhóm của chị hay nhận được số tiền hay món quà từ thiện bất ngờ hay đặc biệt của ai đó không?

Chị Thanh Chung: Thường chúng tôi hay nhận được số tiền quyên từ 100 ngàn, 200 ngàn, 1 triệu... Nhưng như đợt lũ Quảng Bình vừa rồi, có một cháu đang học ở Mỹ cùng với một người bạn nhắn cho tôi: "Cháu gửi bác một tấn gạo để gửi cho Quảng Bình tương đương số tiền 13 triệu". Đó là món quà tôi ngạc nhiên nhưng rất cảm động. Hay có cháu khác nói: "Cháu đi làm thêm ở Mỹ có ít tiền và nhờ mẹ cháu chuyển vào tài khoản cho bác". Các cháu sinh viên cũng phải đi làm thêm nhưng khi nhóm chúng tôi kêu gọi ủng hộ cũng rất tích cực. Trong 2 ngày vừa qua nhóm cũng đã tăng lên hơn 100 triệu, đó là con số tăng đột biến.

Nhà báo Hà Sơn: Chị làm cho nhiều tổ chức quốc tế và vẫn đảm đương công việc từ thiện liên tục, vậy phân bổ thời gian cho hai việc ra sao?

Chị Thanh Chung: Ở nước ngoài sau khi xong công việc ở cơ quan về nhà thời gian hoàn toàn còn lại của mỗi người. Thực ra bây giờ công việc chính của tôi là gây quỹ còn công việc cơ quan là đến các dự án trong nước làm việc.

Có nhiều cách để làm từ thiện, ví như tôi chịu khó viết bài để nhiều người đọc, nhiều người theo dõi xin tiền được nhiều. Thứ hai là tôi viết sách, có cuốn thu về mấy trăm triệu. Tôi cũng có ông xã ủng hộ, những việc nhà không làm được anh ấy tranh thủ giúp. Buổi tối tôi cần phải viết, hay giặt các con búp bê, ông xã cũng sẵn sàng giúp các việc khác. Đúng là thuận vợ thuận chồng tát biển đông cũng cạn.

Sơn Hà - Thu Hà - Xuân Quý - Đức Yên - Xuân Phúc
Ảnh: Hòa Nguyễn

Vụ nguyên Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng: 'Kỷ luật Đảng là còn nhẹ'

Hôm 25/10, PGS.TS Nguyễn Trọng Phúc, nguyên Viện trưởng Viện lịch sử Đảng, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh đã trả lời phỏng vấn báo Đại Đoàn Kết, thông báo kết luận của Ủy ban Kiểm tra Trung ương về các trường hợp kỷ luật Đảng nói chung, trong đó có trọng điểm xử lý tại Bộ Công Thương là để cảnh báo mọi cán bộ, đảng viên dù ở cấp nào cũng phải chịu sự chi phối của kỷ luật Đảng và cả pháp luật nhà nước, chứ không có “vùng cấm” và không có chuyện “hạ cánh an toàn”.

Trịnh Xuân Thanh, Nhóm lợi ích, Vũ Ngọc Hoàng, Xe biển xanh, Con ông cháu cha
PGS. TS Nguyễn Trọng Phúc.

PV: Thưa ông, Ủy ban Kiểm tra Trung ương vừa ra thông báo về nội dung Kỳ họp thứ VII, trong đó có kết luận về những vấn đề tồn tại tại Bộ Công Thương nhiệm kỳ 2011- 2016, ông có đánh giá gì về kết luận này?

Ông Nguyễn Trọng Phúc: Thông báo kết luận Ủy ban Kiểm tra Trung ương về các trường hợp kỷ luật Đảng nói chung, trong đó có trọng điểm xử lý tại Bộ Công Thương có liên quan đến trách nhiệm của Ban cán sự Đảng Bộ Công Thương và cá nhân đồng chí nguyên Bí thư, nguyên Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng, thể hiện tính nghiêm minh của kỷ luật Đảng và việc đó cũng được xử lý ngay sau khi có đánh giá về thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 khóa 11 và Nghị quyết Trung ương 4 khóa 12.

Điều đó khẳng định quyết tâm chiến lược của Đảng trong việc chống biểu hiện tiêu tực, suy thoái về tư tưởng, đạo đức, lối sống, liên quan đến việc “tự diễn biến”, tự chuyển hóa” được Đảng và nhân dân ủng hộ.

Việc công bố hình thức thi hành kỷ luật cho thấy Đảng lần này làm rõ địa chỉ, rõ cơ quan đơn vị vi phạm. Ở đây không có chuyện “hạ cánh an toàn”, vi phạm nếu đã thôi công việc hoặc đã chuyển công việc khác đều phải thi hành nghiêm kỷ luật của Đảng.

Điều đó khẳng định quyết tâm của Đảng. Đây mới chỉ là kỷ luật Đảng, từ kỷ luật Đảng là cơ sở xử lý bên chính quyền, nhà nước.

Từ kỷ luật Đảng đi đến xử lý bằng pháp luật chứ không chỉ dừng kỷ luật Đảng.

Với những trường hợp thi hành kỷ luật Đảng sau này phải tiếp tục để điều tra làm rõ thêm xem chuyện tham nhũng làm thất thoát hàng nghìn tỷ mà Trịnh Xuân Thanh đã làm.

Tất cả phải được xem xét đầy đủ về phương diện pháp luật, nếu có những yếu tố vi phạm pháp luật hình sự thì phải truy cứu trách nhiệm hình sự chứ không chỉ kỷ luật Đảng. Nếu có liên quan đến chuyện lợi ích nhóm, chống tham nhũng thì phải tiếp cận đến nơi để xử lý triệt để.

Vậy bài học của việc xử lý có tác dụng như thế nào đối với công tác quản lý cán bộ hiện nay, thưa ông?

- Ý nghĩa của việc làm này là ta phải siết chặt kỷ luật Đảng, pháp luật của nhà nước theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 4, khóa 12 để cảnh báo mọi cán bộ Đảng viên dù ở cấp nào thì cũng phải chịu sự chi phối của kỷ luật Đảng và cả pháp luật nhà nước, chứ không có vùng cấm và không có chuyện “hạ cánh an toàn”.

Dù đã nghỉ hưu, chuyển công tác nếu có dấu hiệu vi phạm kỷ luật Đảng, pháp luật nhà nước thì tiếp tục được xử lý. Đó là cái nghiêm minh của kỷ luật Đảng và pháp luật nhà nước.

Điều đó có ý nghĩa giáo dục cán bộ, đảng viên đương chức ngày nay và những cán bộ đương chức đó phải tự suy ngẫm, điều chỉnh lại nhận thức hành động của mình để làm sao tuân thủ đúng kỷ luật của Đảng, pháp luật của nhà nước.

Theo ông, vi phạm của nguyên Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng ở mức kỷ luật Đảng đã phù hợp chưa?

- Với tư cách làm về nghiên cứu và là một công dân tôi thấy kỷ luật như vậy xét tổng thể về mặt cả lý, cả tình cũng được. Nhưng để đảm bảo tính nghiêm minh của kỷ luật Đảng như vậy là còn nhẹ. Tổ chức đảng, Ban cán sự Đảng bộ Bộ Công Thương chỉ khiển trách thôi quả thật là nhẹ.

Tất nhiên đánh giá kỷ luật Đảng không phải cứ làm nặng nề mới là nghiêm minh. Quan trọng là xem xét ảnh hưởng của kỷ luật ấy nó mang lại cái gì cho Đảng và những người khác để biết mà tránh đi.

Từ câu chuyện này, theo ông công tác phòng chống tham nhũng thời gian tới phải tập trung vào những nội dung nào để tránh những trường hợp xảy ra không mong muốn?

- Có 3 điều tôi nghĩ tới trong giữ vững kỷ luật Đảng, phòng chống suy thoái, biến chất, tự diễn biến, tự chuyển hóa.

Thứ nhất, phải kết hợp chặt chẽ giáo dục chính trị của Đảng với tự tu dưỡng, rèn luyện đảng viên. Nếu chỉ quan tâm mặt giáo dục mà không chú ý nêu cao trách nhiệm, tự tu dưỡng của từng cán bộ, đảng viên, cái tâm của mình và trách nhiệm đảng viên trước dân trước đảng thì dù có giáo dục, tác động bên ngoài bao nhiêu cũng khó chuyển biến.

Thứ hai, theo tôi phải chú ý kiểm soát quyền lực. Tôi luôn nhấn mạnh Đảng kiểm soát quyền lực không phải theo nghĩa hiểu thông thường là Luật pháp, hành pháp và tư pháp kiểm soát nhau.

Cái đó là lẽ đương nhiên mà một Nhà nước pháp quyền phải làm điều tôi muốn nói Đảng cầm quyền thì Đảng phải kiểm soát quyền lực.

Đảng đã giao trách nhiệm cho đảng viên của mình nắm các trọng trách trong bộ máy nhà nước thì đồng thời Đảng, tổ chức Đảng phải giám sát từ TW, Ban Chấp hành TW phải giám sát các lãnh đạo mà mình đã phân công.

Ở dưới cấp ủy địa phương cũng như thế, chính tổ chức Đảng phải đứng ra giám sát. Giám sát kiểm soát quyền lực mà làm tốt thì sẽ bớt đi rất nhiều những thoái hóa, biến chất.

Điều cuối cùng, theo tôi vẫn phải nhắc đi nhắc lại giám sát của nhân dân, Mặt trận, các tổ chức đoàn thể và báo chí. Phần lớn các vụ việc đều do báo chí phát hiện.

Do đó, bây giờ làm thế nào để khơi dậy được trách nhiệm của các đoàn thể, nhân dân, đặc biệt là các cơ quan báo chí nhất định công tác giám sát sẽ thực hiện tốt.

Khi giám sát mà phát hiện có dấu hiệu là phải vào cuộc ngay. Vừa qua chúng ta mới chỉ đi để giải quyết hậu quả thay vì ngăn chặn từ xa.

Chính ngăn chặn từ xa ấy nó sẽ góp phần ngăn chặn và đẩy lùi những tham nhũng tiêu cực. Ngay cả trong việc bảo vệ đất nước bây giờ là phòng từ xa chứ không phải xảy ra mới hành động.

Trân trọng cảm ơn ông!

Lê Na (thực hiện)/ theo Đại đoàn kết

Chuyện sáng đèn: Cả 4 chữ P đều gặp khó

Sẽ không có cây đũa thần nào có thể chạm vào một cái là các thể chế văn hoá sẽ “chạy ro ro” và khán giả lũ lượt kéo đến, ngành công nghiệp văn hóa cần nhiều thập kỷ để trưởng thành và phát triển.

Sự phát triển của một đất nước không chỉ được đo bằng số lượng xe sang, các toà nhà chọc trời, các trung tâm thương mại đồ sộ mà còn bằng số lượng bảo tàng, các thư viện, các khu chơi thể thao, công viên, số lượng các nhà hát đỏ đèn.

Thế nhưng sẽ không có cây đũa thần nào có thể chạm vào một cái là các thể chế văn hoá sẽ “chạy ro ro” và khán giả lũ lượt kéo đến, ngành công nghiệp văn hóa cần nhiều thập kỷ để trưởng thành và phát triển. Tuy nhiên, nếu không bắt đầu từ hôm nay thì đến bao giờ?

Sân khấu trước sự cạnh tranh mãnh liệt

Trong quá khứ, có thể thấy các nhà hát kiểu phương Tây dù dành cho một đối tượng công chúng hẹp là giới thượng lưu và tư sản, vẫn luôn tấp nập bởi nhu cầu tiêu thụ sản phẩm văn nghệ, giải trí của nhóm người này rất cao. Thời chiến tranh và bao cấp, các nhà hát cũng luôn tấp nập bởi mức cung nghệ thuật rất thấp. Có được vé vào nhà hát xem kịch, xem phim là một điều xa xỉ, một cơ hội hiếm có.

Vào thời mở cửa, khi truyền hình phát triển mạnh mẽ, đưa vào “thị trường văn nghệ, giải trí” một lượng “hàng” lớn là các bộ phim Hàn Quốc, Trung Quốc, Nhật Bản, châu Âu, châu Mỹ và đặc biệt là Hollywood, sau đó là hàng loạt các chương trình truyền hình thực tế ăn khách trên toàn thế giới, đã làm thoả mãn phần nào nhu cầu giải trí của giới trung lưu trong xã hội – nhóm những người bắt đầu có nhu cầu tiêu dùng các sản phẩm văn nghệ, giải trí một cách thường xuyên.

Các nhà hát, từ nghệ thuật hàn lâm như Opera, giao hưởng thính phòng cho đến kịch nói, nghệ thuật truyền thống, bảo tàng, cung văn hoá,…gặp phải một sự cạnh tranh dữ dội. Nói theo ngôn ngữ marketing thì cả 4 chữ P đều gặp khó.

nghệ thuật, nhà hát lớn, truyền hình, giải trí

Cảnh trong vở kịch “tôi và chúng ta”


Product – sản phẩm của đối thủ cạnh tranh là truyền hình (phim, game show, truyền hình thực tế) các bộ phim bom tấn ở các rạp chiếu phim hiện đại, thị trường băng đĩa, internet, home theatre… là các sản phẩm rất tốt. Các vở diễn nổi tiếng thế giới có thể thưởng thức ngay tại nhà và cập nhật với mức phí không cao.

Không chỉ thoả mãn nhu cầu mà còn tạo ra nhu cầu tiêu dùng của khán giả. Nội dung của các vở kịch thời Lưu Quang Vũ,…. nói được và nói hay về các vấn đề xã hội. Các tác phẩm sân khấu ngày nay gặp khó khăn nhiều hơn khi làm điều tương tự, so với các “đối thủ cạnh tranh” là phim truyền hình, phim truyện trong và ngoài nước, internet.

Chưa kể việc thế giới ngày càng trở nên “phẳng” về công nghệ, sức hút toả ra từ các trung tâm giải trí như Hollywood quá mãnh liệt, chi phối nhu cầu thưởng thức nghệ thuật của giới trẻ - thường xuyên tiêu thụ sản phẩm văn hoá không tại nhà – và giới trung lưu.

Price – giá cả - hợp lý và phương thức thanh toán linh động.

Place – kênh bán hàng: năng động, linh hoạt có thể tương tác với khách hàng gần như mọi lúc mọi nơi.

Promotion – quảng bá được các nhà kinh doanh chương trình nghệ thuật tư nhân tiến hành một cách chủ động, liên tục, cập nhật trên tất cả các kênh người tiêu dùng nhận thông tin như truyền hình, radio, báo in, báo mạng, marketing trực tiếp, pa nô – biển bảng – tờ rơi, loa đi động cho đến mạng xã hội, rồi người tiêu dùng bán cho người tiêu dùng.

Người lớn ít đến nhà hát thì đương nhiên con trẻ cũng không có thói quen và nhu cầu đến nhà hát. Lứa khách hàng – công chúng của nhà hát đang già hoá và lứa công chúng trẻ không đủ đông để thay thế.

nghệ thuật, nhà hát lớn, truyền hình, giải trí
Nhà hát lớn Hà Nội

Chiến thuật đa dạng hóa “rổ sản phẩm” và đổi mới truyền thông

Trước một sự cạnh tranh mãnh liệt như vậy, các nhà hát truyền thống không có cách nào khác là phải thích nghi bằng cách thay đổi tư duy từ phục vụ nhiệm vụ chính trị sang phục vụ khán giả song song với việc làm nghệ thuật.

Người xem không còn là người thụ hưởng nghệ thuật mà là KHÁCH HÀNG, là NGƯỜI MUA vì vậy hoạt động của các nhà hát cũng cần phải thay đổi, tuân theo các “luật lệ” của kinh tế thị trường ở một mức độ nhất định (do vẫn còn được nhà nước tài trợ một phần hoặc có các hình thức ưu đãi).

Nhà hát quốc gia Chaillot ở Pháp ngoài việc tổ chức các show diễn múa đương đại lác đác vài chục người xem thì cũng có những show diễn nhảy flamenco cho hàng trăm người xem.

Chính những show nghệ thuật không đỉnh cao, nhưng vẫn theo dòng nghệ thuật đặc trưng của nhà hát, cũng góp phần nuôi dưỡng được nghệ thuật đỉnh cao. Pockemon crew là nhóm nhảy đoạt được nhiều danh hiệu vô địch nhất của nước Pháp, châu Âu và cả thế giới.

Thế nhưng nhà hát Opera quốc gia ở Lyon sẽ không mở cửa cho nhóm này tập luyện, sáng tác và biểu diễn như một đoàn múa của chính nhà hát nếu như nhóm này không chuyển từ nhảy hip hop kỹ thuật sang sáng tác các vở hip-hop nghệ thuật. Điều này cho thấy, dù ở thể loại nào nhưng chỉ có chất lượng nghệ thuật cao là quan trọng.

Một trong các yếu tố quan trọng là các đoàn nghệ thuật cần có một "sân nhà". Khó có thể thuyết phục khán giả trong và ngoài nước rằng Nhà hát lớn Hà Nội và Nhà hát thành phố Hồ Chí Minh là những thánh đường nghệ thuật quốc gia khi cả hai nhà hát này không có đoàn nghệ thuật nào của riêng mình.

Giá như Nhà hát nhạc vũ kịch Việt Nam và Dàn nhạc giao hưởng quốc gia trở thành những đoàn nghệ thuật thường trực của Nhà hát Lớn Hà Nội với lịch tập, sáng tác và biểu diễn hàng tuần thì lượng cung nghệ thuật sẽ tăng lên tuần tự và tương xứng với sự phát triển của đất nước.

Đơn cử trường hợp của Nhà hát lớn Hà Nội. Các chương trình nghệ thuật độc lập của các công ty hay cá nhân có chất lượng nghệ thuật cao rất nên xuất hiện trên sân khấu nhà hát lớn với mức giá ưu đãi để ủng hộ cho nghệ thuật hàn lâm- vốn chỉ dành cho số ít ví dụ như Hennessy concert, Toyota Concert, các buổi biểu diễn của nghệ sỹ Phó An My...

Sự có mặt của một chương trình biểu diễn nghệ thuật cao cấp dài hạn với truyền thông, marketing chuyên nghiệp sẽ tăng khả năng vận động được các nhà tài trợ, bảo trợ từ đó tăng thêm nguồn lực cho việc quảng bá nghệ thuật. Việc này cần được giao cho những nhân sự chuyên trách về bán hàng về marketing và truyền thông.

Và đòi hỏi một sự cải tổ quan trọng: sự xuất hiện của bộ phận PR Marketing trong mỗi nhà hát cần đổi mới. Cạnh tranh với các “đối thủ” có bộ máy marketing và ngân sách truyền thông khổng lồ, có kinh nghiệm quốc tế, có cơ sở vật chất đồng bộ từ ăn – uống – giải trí cho đến kỹ năng chăm sóc khách hàng, kỹ năng phát triển cộng đồng, quan hệ báo chí, rõ ràng là việc ngoài tầm tay của các nhân viên kiêm nhiệm.

nghệ thuật, nhà hát lớn, truyền hình, giải trí

Cảnh trong vở kịch “Hồn Trương Ba, da hàng thịt”


Người ta sẽ thường xuyên đến nhà hát khi có nhu cầu giải trí, thưởng lãm nghệ thuật. Nhu cầu ấy không tự nhiên sinh ra mà cần được tập luyện, cần được kích thích bằng các hoạt động truyền thông.

Ban truyền thông của các nhà hát cần có những chiến dịch thông tin tới công chúng mục tiêu TRƯỚC, TRONG và SAU các vở diễn, sử dụng các kênh truyền thông truyền thống và đặc biệt là mạng xã hội, người có ảnh hưởng trong xã hội. Cán bộ marketing cần có những gói sản phẩm, các hình thức ưu đãi, các hình thức tương tác, marketing tích hợp, marketing chéo với các nhãn hàng khác hướng tới cộng đồng khán giả hiện tại và tương lai của nhà hát. Khán giả cũng không tự nhiên sinh ra.

Nếu sân khấu không được đưa vào trường học 1 cách hệ thống, ít nhất là ở các thành phố lớn, không được giải thích với giới trẻ thì rất khó có thể xuất hiện sau này trong danh sách những điều một người trưởng thành quan tâm sau này.

Tại Pháp, người ta có nhiều chương trình giáo dục về điện ảnh dành cho các em học sinh ngay từ cấp 3 để tạo nhu cầu từ sớm. Có nhà hát ở Paris, diễn liên tục từ năm 1957 chỉ hai vở của dòng kịch phi lý – vừa có giá trị lịch sử văn học – vừa có giá trị giải trí, suy nghĩ.

Và cuối cùng, cần một chiến lược đầu tư dài hạn vào con người và hệ thống thông tin. Đầu tư đào tạo và cập nhật trình độ cho đội ngũ biên kịch, diễn viên, kỹ thuật viên ngành biểu diễn, đội ngũ quản lý các doanh nghiệp văn hoá, chuyên gia truyền thông, marketing văn hoá, xây dựng các kênh truyền thông chuyên biệt về văn hoá (trên you tube, chuyên đề văn hoá trên truyền hình, khôi phục các mục tin văn hoá văn nghệ trên báo in, báo mạng) là việc cần làm ngay.

Ngay cả trong trường hợp ấy, cần ít nhất 2 thập kỷ để có thể ra đời một thế hệ công chúng – người tiêu dùng văn hoá sân khấu mới. Con đường có thể dài nhưng tập trung nguồn lực có tính toán 1 cách chủ động yếu tố thị trường sẽ rút ngắn thời gian ấy.

Nguyễn Đình Thành

Hôn nhân trời định của người đàn bà "cuồng" búp bê

- Tình yêu đến sau những đổ vỡ trong hôn nhân, anh Tuấn Anh và chị Thanh Chung dù mỗi người làm một công việc khác nhau nhưng đều có chung một trái tim chia sẻ với những người nghèo có hoàn cảnh khó khăn.

Phần 1: "Chúng tôi thèm cơm, sợ mì ăn liền lắm rồi"

Thanh Chung 3Play
Tình yêu xuất phát từ công việc thiện nguyện.
Thanh Chung 4Play
Những câu chuyện thú vị về những con búp bê và tình người.
Thanh Chung 5Play
Xem toàn bộ phần 2 buổi trò chuyện với vợ chồng chị Thanh Chung.

Nhà báo Hà Sơn: Điều gì khiến anh ấn tượng về chị Thanh Chung ngoài tấm lòng và công việc làm vì mọi người?

Anh Tuấn Anh: Tôi trước đây là phóng viên, vốn quay phim sau đó làm đạo diễn. Khi còn ở Hãng phim tài liệu khoa học trung ương tôi phụ trách xưởng miền núi và đối ngoại vì thế đi các vùng miền núi rất nhiều từ Bắc đến Nam. Những chuyến đi trong hàng chục năm giúp tôi hiểu đời sống nhân dân các dân tộc cùng những khó khăn họ gặp phải. Vì thế tôi và cộng đồng bạn bè trong nhiều năm cố gắng làm những việc nho nhỏ để chia sẻ với bà con.

Một trong những nhóm tôi tham gia khá lâu là Otofun cụ thể nhóm Ford Escape gồm những người làm nhiều ngành nghề khác nhau nhưng đều cố gắng thu xếp thời gian lên vùng nào đó giúp các em nhỏ. Những việc đó chúng tôi tham gia thường xuyên. Sau này tôi cũng tham gia thêm ở những chương trình như "Cơm có thịt" với tư cách lái xe vì tôi am hiểu vùng miền núi. Tôi quen chị Thanh Chung qua công việc từ thiện nên để chị Chung nói sẽ hay hơn.

Chị Thanh Chung: Nhóm của tôi dạo xưa bé nên luôn muốn tiết kiệm tiền. Mỗi lần lên miền núi tôi đều viết lên trên mạng xem ai có xe ô tô cho chúng tôi mượn đỡ phải thuê. Một lần anh Tuấn Anh vào inbox sẵn sàng cho nhóm tôi mượn xe và cả lái xe. Cái duyên đầu tiên do tôi mê xe vì tiếc tiền còn anh Tuấn Anh lại hào hiệp với chiếc xe Ford nên hai người gặp nhau. Khi mới quen tôi và anh ấy còn mày tao chí tớ thậm chí tôi còn trêu các bạn trong nhóm: "Anh Tuấn Anh cho bọn mình mượn xe, ai trẻ đẹp xinh xắn đến ôm hôn anh ấy đi".

Lúc đó tôi vẫn đang ở New York, anh Tuấn Anh ở Việt Nam. Ngay sau câu trêu của tôi, anh Tuấn Anh nhắn: "Buồn cười nhỉ, tớ chỉ thích ôm hôn chủ tịch nhóm chứ thành viên khác không thích". Sau đó tôi có dịp về Việt Nam, anh em gặp nhau mới hóa ra: "Ông này biết mình từ lâu trong nhóm nên việc cho mượn xe là cái cớ thôi". (cười)

Anh Tuấn Anh: Thực tế tôi làm việc ở nhiều nơi không chỉ ở Việt Nam, đặc biệt đã đi nhiều vùng khó khăn. Khi Chung lúc đó có thể thay đổi công việc sang vùng Châu Phi tôi nghĩ rằng: "Ờ, tại sao chúng ta không sống với nhau?".

Hiện tại cuộc sống ở Mỹ, tôi là hướng dẫn viên du lịch, rất nhiều đoàn khách người Việt Nam khi hiểu công việc của Thanh Chung và nhóm "Vì ta cần nhau" cũng có sự ủng hộ nhất định.

Mặt khác trong quá trình đi làm tôi có thú vui sưu tầm đĩa than và đem rao bán trên mạng thu được số tiền kha khá. Tất cả những cái đó giúp quỹ thêm kinh phí hoạt động. Những ngày này khi chúng tôi về Việt Nam thấy sự tử tế lan tỏa rộng rãi và đó là những điều thực sự làm tôi cảm động.

Nhà báo Hà Sơn: Chị làm từ thiện chủ yếu trong nhóm "Vì ta cần nhau" còn anh từng làm trong nhóm "Cơm có thịt" hay hoạt động từ thiện của diễn đàn Otofun. Vậy hai người vẫn tách hoạt động từ thiện riêng biệt hay có ý định về chung một nhóm?

Anh Tuấn Anh: Chúng tôi nghĩ rằng khái niệm về một nhóm hay tách nhóm cũng không phải rạch ròi. Vì khi có hoạt động, chúng tôi kêu gọi lập tức các bạn ở nhóm Chăn ấm chuyển 100 chăn để mang lên núi hoặc ngược lại nếu các bạn nhóm diễn đàn Otofun lên núi chúng tôi chuyển chút quà sang cho các bạn. Nếu tôi ở Việt Nam cần thiết sẽ lái xe đi cùng chở hàng. Như vậy có thể hiểu sự kết nối giữa các nhóm rất gắn bó.

Chị Thanh Chung: Phải nói giữa nhóm Cơm có thịt, Giỏ thị, Chăn ấm, Vì ta cần nhau, Otofun,... chúng tôi phối hợp rất nhịp nhàng. Khi cần chúng tôi hỗ trợ nhau nhiệt tình.

Nhà báo Hà Sơn: Anh chị từng đổ vỡ trong hôn nhân nhưng từ sự chia sẻ, tình yêu thì nên duyên vợ chồng. Khi về chung một nhà, các con của anh chị có ủng hộ bố mẹ các hoạt động từ thiện?

Anh Tuấn Anh: Khi chúng tôi đến với nhau có sự ủng hộ rất lớn của các con, các cháu. Các con của Thanh Chung và con tôi đến nay đã trở thành anh em, người thân trong đại gia đình. Và để xây dựng một gia đình có sự khác biệt như thế vai trò người phụ nữ rất quan trọng.

Chị Thanh Chung: Tôi nghĩ các con hiểu rằng hạnh phúc của cha mẹ là điều quan trọng nhất và mỗi khi tôi kêu gọi từ thiện gây quỹ, cả con gái, con trai, con dâu đều nói: "Em sẽ ủng hộ mẹ ngần này từng này và chuyển tiền vào tài khoản của mẹ". Tôi may mắn không những được chồng chia sẻ mà các con cũng đều chia sẻ. Khi người ta vẫn tin mình nghĩa là xin tiền vẫn cho thì vẫn tiếp tục phải làm đến khi không ai cho nữa thì thôi.

Nhà báo Hà Sơn: Có một điểm thú vị là chị thường tự tay làm và sửa những con búp bê đem bán gây quỹ cho những em nhỏ ở vùng cao. Chị có thể chia sẻ gì về việc này?

Chị Thanh Chung: Tuổi thơ của tôi không có đồ chơi vì những năm tháng đó khó khăn. Tôi có đam mê về búp bê nên khi phát hiện ra ở Mỹ có búp bê bắp cải khai sinh rõ ràng, ai muốn có phải xin giấy nhận nuôi. Tôi nghĩ nếu đưa các em bé này về Việt Nam vừa dạy trẻ em và cũng có thể gây được quỹ.

Vì vậy tôi và anh Tuấn Anh lặn lội đến các chợ kiếm các em búp bê đồ cũ vì mua mới đắt, rồi đem về hì hụi giặt, chỉnh trang cho thật xinh đẹp và nhờ một bà chị khéo tay đan lát may quần áo mới mặc cho búp bê và đem bán.

Năm ngoái hội chợ tôi đem hơn 200 con búp bê về và chỉ trong hai ngày quỹ nhóm tăng lên hơn 200 triệu. Quan niệm của tôi là khi các con nhận em búp bê về nuôi thì các bạn ở miền núi có thêm áo ấm.

Có em bé nói: "Bác ơi, bây giờ con chỉ có một nửa tiền bác có bán chịu không?" và tôi nhất trí. Hay có bạn nói con sẽ chơi với bạn này cho đến khi lớn mang cho bác bán lấy tiền mua chăn cho các bạn nhỏ vùng cao. Rất nhiều câu chuyện ấm áp.

Anh Tuấn Anh: Gần đây nhất những ngày đợt bão lụt Quảng Bình trong lúc tất cả mọi người phải đóng gói những yếu phẩm đưa vào cứu trợ, có cháu bé bế một con búp bê đến ngồi cùng làm với mẹ và khi được hỏi cháu nói rằng khi nó làm điều gì tử tế sẽ có một người bạn chứng kiến. Trong cuộc sống sự tử tế, ý thức trách nhiệm cộng đồng sẽ hình thành nên những đứa trẻ như thế. Đó là điều xã hội chúng ta đang cần.

Nhà báo Hà Sơn: Anh Tuấn Anh chia sẻ khi làm hướng dẫn viên du lịch bên Mỹ cũng nhận được những đóng góp của các khách du lịch. Như vậy có thể hiểu ý thức làm thiện nguyện anh luôn mang trong mình?

Anh Tuấn Anh: Đúng rồi. Bản thân mỗi người du lịch hay làm việc tại Mỹ tôi gặp họ đã làm công việc từ thiện ở đâu đó bằng cách này, cách khác. Tuy nhiên khi họ biết về những trẻ em ở vùng núi luôn gặp nhiều khó khăn thiếu thốn và họ thực sự muốn chung tay chia sẻ.

Khi nhận những đồng tiền như thế chị Thanh Chung cũng làm nhiều cách để nâng giá trị số tiền lên. Ví như chúng tôi mua hàng hóa những người trong nước đặt hàng và chuyển về. Lúc đó giá trị tiền từ thiện lại tăng lên vì bản thân nhiều người ở Việt Nam họ muốn ủng hộ cho nhóm bằng cách đặt mua hàng.

Ví dụ tiền được ủng hộ là 100, 200 đô nhưng qua những hoạt động về đến Việt Nam giá trị lại cao hơn.

Nhà báo Hà Sơn: Trong công việc làm từ thiện các anh chị rất linh động miễn sao có thêm tiền, có thêm nhiều sự yêu thương chia sẻ?

Anh Tuấn Anh: Trong quá trình gây quỹ ở Mỹ nhiều khi nhóm chị Chung nhận được tiền từ nhiều người, nhiều đối tượng khác nhau. Có những người bạn Mỹ, có những người Việt Nam sống ở Mỹ nhưng trong đó chúng tôi đặc biệt ấn tượng với những người phụ nữ, người đàn ông lái xe, làm trong các nhà máy nhỏ - họ là những người lao động rất vất vả, thu nhập không cao.

Tôi nhớ có một người ở tiểu bang Connecticut lên gặp trao phong bì trong đó có 195 đô la toàn là những đồng tiền lẻ. Khi trò chuyện được biết họ sang Mỹ, cuộc sống cũng đầy khó khăn, phải đi làm từ sáng, lái xe vài chục dặm, cả đời chưa bao giờ dám vào ăn ở những nhà hàng sang trọng nhưng lại sẵn lòng dành dụm tiền gửi về ủng hộ các em nhỏ vùng cao.

Chị Thanh Chung: Tôi từng phát biểu trong một lần Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng sang Mỹ tiếp xúc với đồng bào Việt kiều rằng: Không cần biết người Việt đến nước Mỹ thời gian nào, bằng phương tiện nào và vì sao. Nhưng hai chữ đồng bào đã kéo mọi người xích lại gần nhau.

- Cảm ơn anh chị về cuộc trò chuyện!

Sơn Hà - Thu Hà - Xuân Quý - Đức Yên - Xuân Phúc
Ảnh: Hòa Nguyễn

Vi phạm khi đương chức, kỷ luật lúc về hưu

- "Cái khó của việc xử lý kỷ luật đối với ông Vũ Huy Hoàng là vi phạm diễn ra khi còn đương chức, khi xử lý kỷ luật thì đã về hưu"- TS Nguyễn Sĩ Dũng, Nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội chia sẻ với Góc nhìn thẳng.

Ông Vũ Huy Hoàng
Play

Kính thưa quý vị và các bạn

Việc Ủy ban Kiểm tra Trung ương đề nghị xử lý kỷ luật cảnh cáo đối với ông Vũ Huy Hoàng, nguyên Bộ trưởng Bộ Công Thương được dư luận đồng tình những cũng có không ít thắc mắc.

Để làm rõ hơn việc này, Góc nhìn thẳng có cuộc trao đổi với Tiến sĩ Nguyễn Sĩ Dũng, nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội.

Nhà báo Hoàng Hường:Thưa TS, với những người đương chức, nếu bị kỷ luật về Đảng thường thì bước tiếp theo thường sẽ là cách chức về chính quyền. Nhưng trường hợp ông Vũ Huy Hoàng đã về hưu, việc xử lý kỷ luật tiếp theo sẽ như thế nào, đây chính là vấn đề người dân băn khoăn nhất?

TS Nguyễn Sĩ Dũng: Việc này còn phụ thuộc vào vi phạm. Phía bên Đảng, kỷ luật được là vì ông Vũ Huy Hoàng vẫn là đảng viên. Đảng xử lý kỷ luật đảng viên hoàn toàn có cơ sở. Bên phía chính quyền giờ sẽ như thế nào? Ông Vũ Huy Hoàng không còn chức, thì những chế tài về hành chính liên quan đến chức vụ chắc không xử lý được nữa. Nhưng có những chế tài khác, nếu có vi phạm pháp luật, nếu ở mức độ hành chính vẫn có thể xử phạt bằng tiền.

Về phía Nhà nước, không còn nhiều chế tài có thể áp đặt được, nhưng về trách nhiệm hình sự hoàn toàn có thể áp đặt được. Tôi không nói cần phải xử lý hình sự bởi phải căn cứ vào vi phạm. Vi phạm đến đâu, có cấu thành tội phạm hay không thì chỉ có cơ quan điều tra mới trả lời được.

Nhà báo Hoàng Hường:Với những quy định hiện hành, liệu có công bằng, thoả đáng hay không khi cùng một mức kỷ luật một bên đương chức còn có chức để cách, còn một bên còn lại không có chức để cách nữa?

TS Nguyễn Sĩ Dũng: Công bằng là một thứ tương đối. Chúa tạo ra nhiều người đã khác nhau rồi. Trong trường hợp này, để nói công bằng với người đương chức là khó. Những người đương chức phải công bằng với nhau, những người về hưu công bằng với nhau. Công bằng ở mức như vậy, chứ không tuyệt đối được. Ông Vũ Huy Hoàng làm gì còn chức mà cách nên muốn công bằng tối đa là khó. Công bằng nên hiểu thế này: những người đang chức chịu chế tài như nhau về những hành vi vi phạm như nhau. Những người về hưu chịu chế tài như nhau với những vi phạm trong quá khứ, ví dụ như trách nhiệm chính trị hay trách nhiệm hình sự.

Nhà báo Hoàng Hường:Người dân lâu nay vẫn chưa đồng tình trong việc xử lý cán bộ cấp cao mắc sai phạm khi họ đã nghỉ hưu, đã "hạ cánh an toàn". Theo TS việc xử lý kỷ luật về Đảng nên được làm thế nào để bớt đi tình trạng này?

TS Nguyễn Sĩ Dũng: Trước hết về mặt áp đặt trách nhiệm, về kỷ luật Đảng, phải hiệu quả. Nếu trong quá trình làm việc để xảy ra vi phạm ta có UB Kiểm tra của Đảng, có chế độ phê bình và tự phê bình. Có rất nhiều công cụ của Đảng. Các công cụ đó cần hiệu năng hơn khi người ta đang còn chức. Những vi phạm đó xảy ra khi đang còn chức, và thực chất nhiều nhiều việc có chức mới vi phạm được. Trong trường hợp này, các cơ quan kiểm tra, các cơ quan chịu trách nhiệm, ví dụ UB Kiểm tra, cấp uỷ… phải phát huy hiệu quả hơn nữa. Khi có vi phạm có thể xử lý được khi người vi phạm còn chức, khi họ về hưu rồi rõ ràng hiệu quả răn đe sẽ thấp hơn.

Thứ hai, việc giám sát từ phía Nhà nước cũng cần được tăng cường. Khi thực hiện chức trách, công vụ, luôn có một hệ thống giám sát. Đó là đòi hỏi của nền quản trị. Ở tầm bộ trưởng, cơ quan giám sát là Quốc hội. Ở tầm dưới bộ trưởng là thanh tra, kiểm tra, kiểm toán… Tất cả thiết chế giám sát đó cần vận hành tốt hơn.

Nhà báo Hoàng Hường:Qua việc xử lý nguyên Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng và các vụ việc nổi cộm sắp được xem xét, xử lý tới đây, TS đánh giá thế nào về việc chỉnh đốn Đảng đang được triển khai?

TS Nguyễn Sĩ Dũng: Với quyết tâm chính trị cao, chúng ta có thể làm tốt. Người dân cũng như các cán bộ, cả về hưu, cựu chiến binh… và tất cả các đối tượng khác chờ mong kết quả cụ thể hơn và có tính răn đe cao hơn nữa.

Nhà báo Hoàng Hường:Cảm ơn TS về cuộc trao đổi.

VietNamNet

"Trần Tiến hứa tặng vé, nhưng tôi kiên quyết từ chối"

"Nhiều người có thói quen lạ, luôn đọc báo chùa, luôn đi xin vé xem nghệ thuật. Tôi chống lại những người đến các buổi ra mắt chỉ để xin sách. Vừa rồi nhạc sĩ Trần Tiến nói sẽ tặng tôi vé xem chương trình biểu diễn của anh ấy, nhưng tôi cương quyết từ chối. Nên tạo thói quen, muốn hưởng thụ nghệ thuật là phải bỏ tiền ra mua, không thể miễn phí được."- Họa sĩ Lê Thiết Cương chia sẻ.

Tiếp mạch bài bàn về cách thắp sáng đèn cho các nhà hát, Tuần Việt Nam giới thiệu cuộc trò chuyện với hoạ sĩ Lê Thiết Cương.

Anh có nghĩ rằng văn hoá nhà hát đang bị lép vế, bị nhấn chìm bởi công nghệ truyền thông với vô khối tính năng hiện đại?

Hoạ sĩ Lê Thiết Cương: Trước hết tôi phản đối ngay ý kiến này.

Khi vào TP Hồ Chí Minh, đến nhà vợ chồng diễn viên Hồng Ánh – Thanh Sơn ăn cơm tối. Hồng Ánh bảo chúng tôi cứ ăn còn cô ấy phải đi diễn. Chúng tôi bảo cô ấy mua giúp đôi vé cho tối mai, nhưng vé đã hết. Anh Lê Hoàng là tác giả kịch bản cũng không mua được vì vé cho xuất diễn hôm sau cũng hết veo.

Đấy là trải nghiệm thực tế của tôi, để thấy rõ ràng không phải “sân khấu bị bỏ rơi vì nhiều phương tiện giải trí và công nghệ hiện đại”.

Tôi không thể trả lời chính xác tại sao sân khấu Hà Nội thưa vắng. Tôi chỉ có thể nói rằng thói quen tiêu dùng nghệ thuật của Sài Gòn và Hà Nội khác nhau.


Họa sĩ Lê Thiết Cương, Nhà hát, văn hóa ứng xử, sống tử tế.
Họa sĩ Lê Thiết Cương. Ảnh nhân vật cung cấp

Anh có biết, sân khấu Sài Gòn có bí kíp gì để có thể sáng đèn liên tục hàng đêm?

Chủ yếu là kịch ngắn, gần gũi với đời sống và mặt bằng văn hoá hơn các nhà hát ở Hà Nội.

Điều quan trọng là người làm sản phẩm phải tìm được cách lách vào trong nhu cầu của người tiêu dùng, len lỏi vào từng ngóc ngách của đời sống.

Tôi tin rằng sân khấu vẫn sẽ phát triển nữa, không có lý gì đạo diễn Việt Linh đang ở nước ngoài mở sân khấu Hồng Hạc tại TP Hồ Chí Minh. Nếu thực sự sân khấu đang đi xuống thì không ai đầu tư vào làm tiếp như thế. Khi tôi đến xem thì tôi thấy rằng đúng là người Sài Gòn rất biết cách làm sân khấu.

Ví dụ trong việc quảng cáo, chị Việt Linh làm rất kỹ. Chị tự đi tìm kịch bản, chủ động liên hệ với báo chí quảng cáo cho các vở diễn. Trong khi tôi chưa thấy một giám đốc nhà hát nào ở ngoài Bắc đi vào đoàn cải lương Sài Gòn tìm vở hay để mời ra ngoài này diễn.

Tóm lại người Sài Gòn rất năng động, họ làm tất cả mọi việc có thể để có được buổi diễn thành công.

Qua câu chuyện của anh, tôi nghĩ là một số nhà hát vẫn còn níu giữ cách làm ăn thụ động của thời bao cấp có đúng không?

Đó chắc chắn là một trong những nguyên nhân.

Nhưng đạo diễn Lê Hoàng là người Bắc, Hồng Ánh cũng nói giọng Bắc nhưng khi vào trong kia họ đều thay đổi. Những người khác như đạo diễn Lê Quý Dương, Minh Ngọc… cũng như thế.

Sự năng động của sân khấu Sài Gòn bao gồm nhiều yếu tố, trong đó có yếu tố con người.

Tôi đã quan sát và thấy ngoài Bắc, cũng như thói quen đọc báo “chùa”, vẫn còn nhiều người có thói quen rất lạ là luôn đi xin vé xem nghệ thuật, không xin được thì không đi. Liệu rằng thói quen này ảnh hưởng thế nào đến kế hoạch sáng đèn hàng đêm của các nhà hát?

Tôi từng làm rất nhiều buổi ra mắt sách cho bạn bè. Tôi luôn chống lại những người đến các buổi ra mắt chỉ để xin sách.

Vừa rồi có buổi biểu diễn của nhạc sĩ Trần Tiến. Anh ấy và nhóm thực hiện đều nói sẽ tặng tôi vé, nhưng tôi cương quyết từ chối. Mỗi nghệ sĩ làm chương trình văn hóa nghệ thuật nên tạo cho mọi người thói quen muốn hưởng thụ nghệ thuật là phải bỏ tiền ra mua, không thể miễn phí được.

Tôi đang tổ chức một buổi triển lãm điêu khắc cá nhân. Tôi in một cuốn sách và bán. Tôi không sống bằng tiền bán sách nhưng tôi cố gắng tạo cho mọi người một thói quen như tôi đã nói ở trên.

Thêm nữa, một phần là do dân ta tự đặt ra những rào cản, cho rằng nghệ thuật là xa vời, khó hiểu. Hội hoạ là trừu tượng, nhạc kịch là xa xôi… nhưng thực ra chèo, tuồng, cải lương cũng chính là nhạc kịch, và gắn bó với đời sống văn hoá từ rất lâu. Đó là cả một câu chuyện dài, như Lenin đã nói: “muốn thưởng thức văn hoá thì phải học”, và phải tự học.

Tôi đặc biệt khó chịu khi thi thoảng có bài báo cho rằng phải đưa ca trù, chèo, cải lương… vào trường học. Không thể có thời khoá biểu nào trong trường học cho những điều đó, trẻ con đã phải học quá nhiều. Chúng ta liên tục nói chuyện giảm tải cơ mà. Không thể có trường học nào dạy tất cả mọi thứ trên đời, học chính là tự học.

Những điều anh tự học, chưa nói đến việc anh mang lại được điều gì cho xã hội, mà tự học vì quyền lợi của chính anh. Anh muốn nâng cao đời sống tâm hồn, trí tuệ của anh thì anh phải tự học, tự đọc. Đấy mới là sống, còn sống mà chỉ có ăn, ngủ, váy ngắn váy dài xanh đỏ thì đó không phải là sống, đấy là tồn tại.

Tôi cũng đồng ý với anh, bỏ tiền ra để nếu muốn hưởng thụ văn hóa, tuy nhiên đổi lại, người mua vé cũng đòi hỏi sản phẩm đó phải có chất lượng tốt, chứ không được nhàm chán, nhạt nhẽo, hay xa vời với cuộc đời thực. Anh có nghĩ rằng việc thắp sáng đèn cho các nhà hát cũng là một cách để con người bớt gắt gỏng với nhau, bớt chửi bới lẫn nhau và tất nhiên, tệ nạn cũng sẽ bớt đi?

Văn hoá là nền tảng, giống như một toà nhà cao tầng, ai cũng chỉ nhìn thấy từ tầng 1 trở lên. Nhưng dưới toà nhà ấy phải là một móng nhà có chiều sâu bằng vài chục tầng, nếu không, toà nhà đó sụp đổ, nhưng không ai nhìn thấy phần ngầm ấy.

Văn hoá cũng vậy, văn hoá là nền tảng, là chiều sâu bền vững, nếu không đầu tư cho nền tảng ấy, chúng ta chẳng xây dựng được điều gì vững bền.

Hoàng Hường (thực hiện)

Những trợ thủ mới của Tổng thống Putin

Tổng thống Nga Vladimir Putin đã luân chuyển một cách bài bản các cố vấn thân cận và lâu năm nhất của mình.

Lần gần đây nhất – nhưng chắc chắn chưa phải là cuối cùng – là Sergei Ivanov, một cựu điệp viên KGB (giống như Putin) đồng thời là cựu Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, người vừa bị buộc phải rời khỏi vị trí Chánh văn phòng Điện Kremlin.

Ivanov, một nhà hoạch định chính sách tương đối quyền lực, đã được thay thế bởi một nhân vật không quyền không lực: cựu lãnh đạo của Cục Lễ tân (Protocol Schedule Directorate), Anton Vaino.

Tương tự như vậy, Bộ trưởng Bộ giáo dục và Khoa học, Dmitry Livanov, đã được thay bằng Olga Vasilyeva, một nhân vật nữ hiếm hoi được bổ nhiệm vốn chỉ được biết đến nhờ quan điểm Stalinist của bà.

Nước Nga, Putin, chính sách của Putin, nội các
Tổng thống Nga Putin.

Như thường lệ, ông Putin không đưa ra lời giải thích thực sự cho những thay đổi này, khiến các nhà nghiên cứu chính trị nội bộ Nga (Kremlinologists) – những người đã có mảnh đất mới để nghiên cứu dưới thời Putin – không phải làm gì nhiều ngoài việc chỉ ra một mô hình rõ ràng: những người có thể nói chuyện một cách ngang hàng với Tổng thống đang bị thay thế bởi những người do chính ông tạo ra, và đang mắc nợ ông sự nghiệp của họ.

Tại sao lại là bây giờ? Theo một thành viên thân cận với Putin trong những năm đầu chế độ của ông, cuộc luân chuyển mới nhất đơn giản chỉ phản ánh ý tưởng về việc quản lý hiệu quả của Tổng thống.

Nhiều năm về trước, trong một cuộc họp giữa Putin và các “đại diện toàn quyền” tại các khu vực của ông- những người có nhiệm vụ thiết yếu là giám sát các thống đốc vùng- một người tham dự đã hỏi Tổng thống rằng ông sẽ mô tả thế nào về vai trò của các đặc phái viên này. Ông trả lời rằng, “Ồ, họ có nghĩa vụ như những… sĩ quan liên lạc.”

Nói cách khác, Putin kỳ vọng các thành viên trong nhóm của mình phải trung thành, tuân theo mệnh lệnh như những người lính, và truyền tải hiệu quả nguyện vọng tối cao xuống cấp dưới. Điều này giải thích cơ cấu của những người mới được bổ nhiệm – gồm các nhà kỹ trị và các sĩ quan từ lực lượng quân đội và an ninh, được gọi là siloviki– những người được Putin chuẩn bị để đóng vai trò là giới lãnh đạo tinh hoa của Nga sau cuộc bầu cử năm 2018.

Họ đơn giản là “những người lính của Putin.”

Nhiều cộng sự cũ đang được điều chuyển. Ví dụ, Ivanov- nhân vật mà 10 năm trước được nhiều người cho là có khả năng kế vị Putin- đã được giao cho một công việc mới: “Đại diện đặc biệt của Tổng thống về Bảo vệ Môi trường, Sinh thái và Giao thông.” Còn người đứng đầu Cục Hải quan Liên bang, Andrey Belyaninov, đã rời văn phòng sau khi cảnh sát khám xét tư dinh sang trọng của ông và phát hiện những hộp giầy chứa đầy tiền.

Putin hiểu rằng những người này đã mỏi mệt, kém hiệu quả, thường giàu có quá mức và tham nhũng, đây không phải là điều ông cần cho một nhiệm kỳ Tổng thống mới. Điều ông cần bây giờ là những “sĩ quan liên lạc” trẻ hơn một chút, những người sẽ thực hiện các mệnh lệnh của ông hiệu quả nhất.

Một số nhân vật – như Sergey Chemezov, CEO của tập đoàn quốc phòng và công nghệ cao quốc gia Rostec, và vị “hồng y mặc áo xám” (tức người gây ảnh hưởng ngầm từ sau hậu trường – NBT) của điện Kremlin, Igor Sechin, chủ tịch điều hành của công ty dầu quốc doanh Rosneft – vẫn giữ những vị trí quyền lực và không có vẻ là sẽ tự nghỉ hưu.

Tuy nhiên Putin vẫn còn nhiều thời gian để thực hiện kế hoạch của mình – 18 tháng cho tới cuộc bầu cử Tổng thống và sau đó là nhiệm kỳ 6 năm.

Một số thành viên khác có tư tưởng tự do vẫn đang giữ những vị trí kinh tế trọng yếu trong chính phủ gồm có Bộ trưởng Phát triển Kinh tế Alexey Ulyukayev, Bộ trưởng Tài chính Anton Siluanov, và người đứng đầu Ngân hàng Trung ương Nga, Elvira Nabiullina.

Chiến lược nhân sự hiện tại của Putin cho thấy rằng ông sẽ lựa chọn lạnh lùng và kiên quyết.

Một điều chúng ta có thể chắc chắn là chính sách đối ngoại và đối nội của Nga sẽ không thay đổi, và rằng nó sẽ tiếp tục được quyết định bởi Putin. Phủ Tổng thống Nga chưa bị suy yếu, vậy nên Tổng thống sẽ là người ra mọi quyết định chủ chốt. Những người khác sẽ chỉ là những sĩ quan liên lạc mà thôi.

Andrei Kolesnikov/Project Syndicate

Andrei Kolesnikov là nghiên cứu viên cao cấp và là Chủ tịch Chương trình nghiên cứu Chính trị nội bộ và Thể chế chính trị Nga tại Trung tâm Carnegie Moskva.

Chuyên mục hợp tác cùng Chuyên trang Nghiên cứu Quốc tế (nghiencuuquocte.net)

Tuần Việt Nam lược trích.

Không có bản sắc riêng, sao khiến người nước ngoài ‘ngả mũ’?

“Nhà hát lớn của bất kì thủ đô nào trên thế giới cũng đều mang tính biểu tượng cho nền văn hóa nước ấy, nhìn vào nó người ta thấy được chất lượng của nền văn hóa đó.” – Nghệ sĩ piano Châu Giang, hiện đang sinh sống và làm việc tại New York (Mỹ) chia sẻ.

Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch vừa có chủ trương tới đây, Nhà hát lớn Hà Nội sẽ đưa những tác phẩm sân khấu chất lượng cao vào biểu diễn thường xuyên. Theo bà, những tác phẩm như thế sẽ xứng đáng để đưa vào biểu diễn?

Nghệ sĩ Châu Giang: Cứ mỗi lần đi ngang qua nhà hát lớn Hà Nội, tôi lại liên tưởng đến nhà hát nổi tiếng ở New York, nơi tôi đã từng học tập và sinh sống từ năm 1994 đến nay. Nhà hát lớn của bất kì thủ đô nào trên thế giới đều mang tính biểu tượng cho nền văn hóa nước ấy, nhìn vào nó người ta thấy được chất lượng của nền văn hóa đó ra sao.

Nhà hát lớn là trung tâm đầu não về văn hóa của một quốc gia, là khán đài để trình diễn những gì tinh tế nhất, những gì chúng ta có thể hãnh diện nhất của dân tộc để thế giới phải ngưỡng mộ, tôn trọng và thưởng thức. Vì thế, theo tôi, những chương trình đưa vào đây cần phải đặc sắc, chất lượng cao, được tuyển chọn khắt khe và nghiêm ngặt.

Có như vậy, các nghệ sĩ và dàn nhạc nổi tiếng thế giới mới tôn trọng và khát khao được biểu diễn ở đây. Việt Nam cần tạo ra thương hiệu nhất định cho Nhà hát lớn Hà Nội cũng như thành phố Hồ Chí Minh.

Chất lượng cao có thể hiểu là chương trình nghệ thuật có ngôn ngữ quốc tế, để những người không biết tiếng Việt vẫn có thể thưởng thức, như Opera nhạc kịch, nhạc giao hưởng. Ngoài ra là các chương trình mang tính đậm bản sắc dân tộc như tuồng, chèo, ca trù… Bởi vì nếu không phải là những tác phẩm phải khổ công luyện tập, chứa đựng nhiều mồ hôi nước mắt hoặc mang bản sắc văn hóa riêng, thì rất khó có thể khiến khán giả nước ngoài rung động, ngả mũ cúi chào.

giao hưởng, NewYork, giải trí, âm nhạc, nhà hát lớn, Nghệ sĩ Châu Giang
Nghệ sĩ Châu Giang trong một buổi biểu diễn tại Carnegie Hall, NewYork.

Tôi rất hiểu điều kiện hiện nay của chúng ta còn nhiều khó khăn, nên đôi khi còn xem nhẹ chất lượng của các chương trình nghệ thuật đưa vào để có thu nhập kịp thời. Tuy nhiên nếu làm vậy, tương lai chúng ta sẽ chịu thiệt hại.

Bà vừa nhắc đến New York, theo bà đâu là nguyên nhân chính giúp các trung tâm biểu diễn nghệ thuật nổi tiếng ở đây như Lincoln Center, Carnegie Hall… luôn thu hút đông đảo khán thính giả từ Mỹ và thế giới?

Tôi nghĩ rằng một trong những yếu tố quan trọng nhất của thành phố New York đạt được là đã tạo ra các chương trình nghệ thuật đặc sắc với sức hấp dẫn vô cùng lớn mà không phải ở đâu cũng có. Hàng ngày thành phố này có hàng trăm, hàng ngàn chương trình biểu diễn lớn nhỏ, từ Lincoln Center, Carnegie Hall, cho đến các show ở Broadway; rồi trong tiệc của từng gia đình thượng lưu, chưa kể ở các trường và những trung tâm biểu diễn.

Văn hoá và nghệ thuật giao thoa và hỗ trợ cho các ngành nghề khác như thời trang, giao thông, nhà hàng, vì khi đó mọi người có ý thức ăn mặc để thể hiện thời trang và văn hoá của mình.

Trình độ thưởng thức nghệ thuật cao cấp phụ thuộc rất lớn vào phông nền văn hóa của người dân ở mỗi đất nước, thành phố… Vì thế để nhà hát sáng đèn bền vững, phải chăng còn phải tạo ra sự thay đổi từ thói quen của người nghe nữa?

Khi đánh giá sự phát triển và nền văn minh của một đất nước, người ta thường dựa vào sự phát triển của văn hoá nghệ thuật, dựa vào sự hiểu biết về thưởng thức nghệ thuật, dựa vào thẩm mỹ nghệ thuật của người dân, xu hướng ưa thích và am hiểu.

Để đạt được hình ảnh ấn tượng của một đất nước văn minh, sự phát triển văn hoá và nghệ thuật phải được trải qua một quá trình, nói đúng hơn là trải qua một thế hệ đào tạo với tầm nhìn chiến lược thông minh nhạy bén, năng động và đầy sáng tạo với qui mô lớn và đồng đều.

Nói đơn giản là các nước có truyền thống văn hoá lâu đời và cổ điển như Pháp, Ý, Anh, Áo, Nga… thì người dân có những thói quen nghe nhạc cổ điển và thưởng thức chương trình biểu diễn nghệ thuật kinh điển từ khi họ lọt lòng. Từ bé họ đã được giới thiệu và làm quen với nhạc cổ điển, nghe nhạc hàng ngày ở nhà, ở văn phòng, trên truyền hình, trên xe, siêu thị, thang máy… Bởi thế nó đã trở thành bữa ăn cho đôi tai của họ, khi thiếu vắng họ sẵn sàng đi tìm nó.

Như vậy với Việt Nam, việc đào tạo phải tiến hành với cả người biểu diễn lẫn khán giả nói riêng và người Việt nói chung, vì tất cả đều bắt đầu từ thói quen và nề nếp sống.

Sân khấu có sáng đèn đến mấy nhưng nếu không thu hút được nhiều người nghe và xem thì cũng thất bại. Theo bà làm thế nào để đông đảo được người dân đến Nhà hát lớn thưởng thức các chương trình nghệ thuật?

Bộ trưởng Bộ Văn hóa là người lái “đoàn tàu” văn hóa của đất nước, do đó phải có tầm nhìn quốc tế và chiến lược lâu dài. Tiếp đến, các nhà quản lý các đoàn nghệ thuật cũng cần phải phát hiện được thế mạnh của các nghệ sĩ và là người đánh giá nghệ thuật một cách khách quan, công bằng từng nghệ sĩ, đơn vị, và trân trọng sự cống hiến của họ.

Giới thiếu niên nhi đồng và học sinh toàn quốc nên được giới thiệu và làm quen với nhạc cổ điển từ bé. Nhiều nhà phân tích tâm lý học đã chứng minh nhạc cổ điển có tác dụng rất tốt cho sự phát triển trí óc và tư duy, mang đến cho người nghe nhiều mơ ước tốt đẹp và đặc biệt là giúp trẻ em phát triển toán học.

Nhà hát lớn nên có sự ưu tiên cho các chương trình nhạc cổ điển của Nhạc viện Hà Nội, Nhạc viện TP. HCM và các trường cao đẳng nghệ thuật… vì những nơi này tụ hội rất nhiều nghệ sĩ nhạc cổ điển và dân tộc có trình độ hàng đầu của quốc gia. Đồng thời, chúng ta cũng nên mời các nghệ sĩ và dàn nhạc nổi tiếng các nước đến Việt Nam biểu diễn.

Dần dần, các chương trình âm nhạc cổ điển của ta cần có chất lượng ngang ngửa với những nơi như Carnegie Hall và Lincoln Center của New York. Họ chơi những tác phẩm giao hưởng nào thì chúng ta cũng chơi những tác phẩm tương tự. Tất nhiên, để đạt được điều này, các nghệ sĩ cần lao động cống hiến miệt mài và vất vả hơn rất nhiều. Truyền thông cũng nên tôn vinh xứng đáng những sự cống hiến đó.

Ngoài ra, cần có một hội đồng quốc gia/quốc tế để thẩm định các chương trình có tầm cỡ quốc tế.

Tôi nghĩ rằng điều gì chúng ta cũng có thể làm được nếu quyết tâm đồng lòng và đoàn kết. Mơ ước của tôi là rồi đây Nhà hát lớn lúc nào cũng nhộn nhịp các chương trình nghệ thuật đặc sắc, những người cầm chiếc vé vào đó sẽ thấy hãnh diện và tự hào như khi vào nhà hát Carnegie.

Xin cảm ơn bà đã chia sẻ.

Lan Anh thực hiện

Tôi được cô giáo Nhật giúp ‘cần câu’

Càng về sau, tôi càng hiểu cách giúp đó hợp lý, giúp tôi học hỏi được hơn rất nhiều so với việc cô chỉ cần đơn giản cho tôi tiền (hoặc cho vay).

Của cho và cách cho

Những năm lại đây, đời sống kinh tế của nhiều người dân khá lên cũng như nhờ sự phổ cập của internet tạo ra kết nối “siêu không gian”, các hoạt động cứu trợ, từ thiện diễn ra sôi nổi.

Tuy nhiên, kết quả của không ít hoạt động trên thực tế chưa đáp ứng được sự kì vọng của những người có tấm lòng từ thiện. Sau khi đoàn cứu trợ rút đi và những món đồ được cứu trợ được đem ra dùng hết, cuộc sống của những người được cứu giúp lại trở lại trạng thái như cũ.

Câu chuyện về bản Lòm mà nhà báo Trần Đăng Tuấn chia sẻ trên Facebook đang nhận được sự quan tâm của đông đảo cư dân mạng là một ví dụ.

Qua bao nhiêu năm tiếp nhận hàng cứu trợ và từ thiện, bà con sống ở đây vẫn duy trì nguyên nếp sinh hoạt và tư duy cũ với cảnh tượng người lớn “ngồi bên cửa nhìn ra ngoài” còn trẻ con thì “trốn khi có người lạ ngó lên”. Hoạt động kinh tế của họ vẫn chủ yếu dựa vào nguồn cứu trợ, từ thiện và hoạt động sản xuất tự cấp tự túc.

Thực tế ở bản Lòm đặt ra câu hỏi lớn hơn: cộng đồng của những con người kém may mắn như thế sẽ có mối quan hệ gì với những cộng đồng còn lại trong một quốc gia?

Do có cơ hội tiếp xúc với những công trình nghiên cứu, sách vở người Nhật viết về người dân tộc thiểu số và phát triển kinh tế miền núi ở Việt Nam, tôi nhận thấy việc nâng cao trình độ sống của cả một cộng đồng với những tập tục, thói quen đã được xác lập ngàn đời không phải dễ.

Để làm được điều đó, trước hết cần đến các chính sách khoa học, hợp lý ở cấp vĩ mô gắn với phát triển bền vững của nhà nước. Nó cũng cần tới cơ chế dân chủ để tất cả những người có tấm lòng, tài năng có thể tham gia thông qua các tổ chức dân sự cũng như sự hợp tác với các chương trình của chính phủ.

Đương nhiên, chúng ta cũng cần nghiên cứu kĩ với cách tiếp cận ở nhiều phương diện, thực hiện ở nhiều lĩnh vực để xem cách thức trợ giúp và phát triển có phù hợp với cộng đồng ở đó không. Cần phải có một cách làm tạo điều kiện cho họ có thể lao động và cải thiện đời sống dựa trên chính những tài nguyên và không gian sinh tồn đã gắn bó lâu dài. Nghĩa là, muốn giúp họ lâu dài, hiệu quả thì phải làm cho họ có tinh thần và cuộc sống tự lập.

Từ thiện, MC Phan Anh, Lũ lụt miền Trung, Du học Nhật Bản, Tiếng Nhật, Trần Đăng Tuấn

Sau đợt lũ lụt miền Trung vừa qua, rất nhiều cá nhân đã đứng ra tổ chức các hoạt động từ thiện, trong số đó có MC Phan Anh. Ảnh: Dân Việt

Lúc khó khăn, tôi đã được giúp ‘cần câu’

Câu chuyện bản Lòm khiến tôi nhớ lại một kỷ niệm. Khoảng năm 2008, sau khi hết thời hạn du học với tư cách thực tập sinh, tôi đăng ký thi cao học tại Nhật Bản, nhưng thầy hướng dẫn không đồng ý với lý do “năng lực tiếng Nhật chưa đủ”.

Tôi đành ngậm ngùi học tiếp trong tư cách “thực tập sinh tự túc”. Số tiền phải lo cho một năm đó lân tới 90 vạn yen (khoảng 180 triệu VNĐ). Biết chuyện, cô giáo dạy tiếng Nhật tình nguyện (miễn phí) cho tôi đã thuê tôi làm trợ lý cho chồng cô khi ấy đang là phó chủ tịch một hiệp hội kĩ thuật lớn nhất nhì Nhật Bản.

Mỗi tuần tôi đến trụ sở hiệp hội 3 lần, làm việc từ 9 giờ sáng tới 5 giờ chiều. Công việc chủ yếu là kiểm tra thư, báo, công văn sau đó phân loại và chuyển cho các phòng ban có liên quan, chuyển phát các bưu kiện, giấy tờ… Tôi được trả 1 vạn yên/ngày (khoảng 2 triệu đồng), một số tiền khá lớn vì khi đó lương làm thêm của sinh viên thông thường chỉ khoảng 800 yên/giờ.

Làm được một thời gian thì có đủ tiền đóng học phí nên tôi xin không làm nữa. Tôi hiểu, vợ chồng cô giáo có lòng tốt muốn giúp đỡ tôi tiếp tục học hành và giúp một cách rất “tế nhị”. Bởi công việc ở hiệp hội không quá cần kíp để phải thuê thêm người, hơn nữa lúc đó tôi nói tiếng Nhật chưa thực sự tốt.

Càng về sau khi sống lâu ở Nhật, phải dùng nhiều đến tiếng Nhật để học và kiếm sống, tôi càng hiểu cách giúp đó hợp lý, giúp tôi học hỏi được hơn rất nhiều so với việc cô chỉ cần đơn giản cho tôi tiền (hoặc cho vay).

Không cải tạo thế giới, nhưng từ thiện vẫn rất cần thiết

Từ thiện có thể giúp nhiều cá nhân bớt đi sự bất hạnh. Nhưng muốn tạo ra sự phát triển bền vững của cả một cộng đồng, một xã hội tốt đẹp đem lại hạnh phúc cho tất cả, chúng ta phải nỗ lực tạo ra những nền tảng cơ bản nhất.

Những nền tảng tốt đẹp, có ý nghĩa phổ quát ấy sẽ đảm bảo và thúc đẩy những giá trị, hành động tốt đẹp, cũng như tạo ra sức mạnh cộng hưởng của nhiều người, nhiều tổ chức, nhiều cộng đồng lớn nhỏ, bất chấp những khác biệt khác còn tồn tại giữa họ.

Đương nhiên, trước khi nghĩ đến những việc lớn lao ấy thì việc làm từ thiện hay giúp đỡ những người gặp khó khăn, bất hạnh là điều cần phải làm. Nó giúp họ thoát khỏi hoàn cảnh khốn khó, nguy hiểm nhất là trong tình trạng khẩn cấp như thiên tai, tai nạn…

Đó là đạo lý thông thường của con người trong thế giới văn minh. Bởi thế, chuyện đặt ra câu hỏi “làm từ thiện để làm gì?” sẽ là rất phản cảm với những người làm từ thiện.

Người làm từ thiện cũng có khi chẳng cần nghĩ ngợi phức tạp, mà hành động của họ chỉ đơn giản xuất phát từ lòng thương cảm hay sự trăn trở khi mình được may mắn, hạnh phúc hơn bao người kém may mắn khác. Những hoạt động từ thiện vì thế sẽ giúp chính họ trở nên bình yên, hạnh phúc hơn và chúng cần được trân trọng, biết ơn thay vì công kích hay có những cái nhìn ác ý.

Nguyễn Quốc Vương

Thứ Ba, 4 tháng 10, 2016

Ông Trương Đình Tuyển: “Thách thức lớn nhất là vượt qua bảo thủ”

“Thách thức lớn nhất là vượt qua chính mình: Vượt qua sự bảo thủ trong tư duy phát triển, tâm lý tự hài lòng của người tiểu nông, không dám chấp nhận mạo hiểm để khởi nghiệp, đổi mới và sáng tạo; vượt qua toan tính nhiệm kỳ và chủ nghĩa thành tích, tình trạng nói không đi đôi với làm…”, ông Trương Đình Tuyển khuyến cáo.

LTS:Báo cáo đề dẫn tại Diễn đàn cấp cao về Công nghệ thông tin lần thứ 5 tổ chức tại Hà Nội hôm 24/9/2016, ông Trương Đình Tuyển đã phát biểu với tựa đề Cách mạng công nghiệp lần thứ tư - Cơ hội và thách thức đối với Việt Nam*. Tuần Việt Nam xin đăng tải, mời quí vị đọc và suy ngẫm.

Chúng ta đang sống trong một thời đại mà khoa học- công nghệ phát triển rất nhanh, rất mạnh.

Ayzenbec, nhà triết học và là một kỹ sư người Thụy Sỹ đã mô tả sự phát triển như vũ bão của khoa học - công nghệ bằng một so sánh giàu hình tượng: Cứ cho rằng tuổi của nhân loại là 600 nghìn năm. Hãy hình dung sự phát triển của nhân loại qua 600 nghìn năm ấy với một cuộc đua Marathon 60 cây số.

Phần lớn chiều dài của cuộc đua, đoàn vận động viên chạy qua những con đường cực kỳ khó khăn, những cánh rừng nguyên thủy mà không ai biết gì về nó cả. Phải đến những cây số cuối, cùng với các bức họa trong các hang động là vết tích của một nền văn minh cổ sơ. Đến cây số 59 mới xuất hiện ngày càng nhiều dấu hiệu của nghề nông. 200 mét trước khi đến đích, con đường được lát đá chạy qua các pháo đài La Mã; những đô thị trung đại bao quanh 100 mét cuối cùng của cuộc đua.

an ninh mạng, công nghệ thông tin, kinh tế, công dân toàn cầu, Trương Đình Tuyển.
Ông Trương Đình Tuyển. Ảnh: Zing News

Còn 50 mét nữa, có một người đứng đó theo dõi đoàn vận động viên với đôi mắt thông minh và hiểu biết- Đó là Leonardo da Vinci**.

10 mét nữa con đường vẫn còn được chiếu sáng bằng những bó đuốc và các ngọn đèn con le lói.

Nhưng khi băng quá 5 mét cuối cùng thì xảy ra một hiện tượng kỳ lạ đến sửng sốt: ánh sáng chan hòa con đường đêm, xe không có súc vật kéo lao nhanh trên đường, máy bay gầm vang trên bầu trời và người chiến thắng bị lóa mắt bởi ánh sáng của máy ảnh kỹ thuật số và máy quay vô tuyến truyền hình.

Khoảng 100 năm lại đây, các cuộc cách mạng công nghiệp xuất hiện ngày càng nhanh, nhịp độ ngày càng mạnh làm thay đổi diện mạo thế giới chúng ta đang sống.

Ngày nay, loài người đang chuyển từ kỷ nguyên công nghệ chế tạo sang kỷ nguyên công nghệ cao do công nghệ thông tin dẫn dắt, từ lao động cơ bắp sang lao động trí tuệ, từ thị trường quốc gia sang thị trường thế giới và khu vực. Và, cùng với những tập đoàn kinh tế lớn, siêu quốc gia là xu thế cá thể hóa doanh nghiệp và sự xuất hiện nền kinh tế chia sẻ. Chưa bao giờ, các khái niệm: “kết nối”, “công dân toàn cầu”, “quản trị thông minh”, “thành phố thông minh” lại xuất hiện ngày càng nhiều trong ngôn từ của đời sống hiện thực!

Do nhiều nguyên nhân khách quan và chủ quan, Việt Nam đã bỏ lỡ những cơ hội phát triển mà các cuộc cách mạng công nghiệp trước đây đã tạo ra cho các quốc gia, dân tộc. Việt Nam chẳng những chưa sánh vai cùng với các cường quốc năm châu như Chủ tịch Hồ Chí Minh hằng mong muốn mà còn tụt hậu so với hầu hết các nước trong ASEAN. Nguy cơ rơi vào bẫy thu nhập trung bình là rất hiện hữu.

Và, giờ đây là làn sóng công nghiệp lần thứ tư với sự phát triển bùng nổ của các loại công nghệ cao, trong đó, đặc biệt là CNTT với công nghệ in 3D, kho dữ liệu, và sự tích hợp giữa chúng, tạo ra trí tuệ nhân tạo và những sản phẩm có tính năng vươt trội. Và, trên tất cả là IoT (Internet of things)- vạn vật kết nối. Làn sóng này sẽ làm thay đổi thế giới từ sản xuất đến các mối quan hệ kinh tế, chính trị, xã hội còn sâu sắc hơn, kỳ ảo hơn nhiều mà chúng ta chưa thể hình dung hết được.

Ở đây, một lần nữa khẳng định điều mà C. Mac (Karl Heinrich Marx) đã nói cách đây gần 200 năm rằng: Cái phân biệt thời đại kinh tế này với thời đại kinh tế khác không phải ở chỗ người ta sản xuất ra cái gì mà là ở chỗ người ta sản xuất bằng cách nào. Và, rằng, đại công nghiệp sẽ phá vỡ các quan hệ cổ truyền.

Làn sóng công nghiệp lần thứ IV mang đến cho mọi quốc gia trong đó có Việt Nam những cơ hội to lớn, đồng thời cũng đặt ra những thách thức nặng nề. Liệu Việt Nam có tận dụng được cơ hội của cuộc cách mạng lần này tạo ra hay lại tiếp tục bị bỏ lỡ và tụt hậu xa hơn? Và, làm thế nào để tận dụng cơ hội, vượt qua thách thức, tiến cùng thời đại là bài toán lớn đang đặt ra cho dân tộc Việt Nam.

Sự phát triển rất nhanh, rất mạnh của khoa học -công nghệ dẫn đến quá trình công nghiệp hóa được rút ngắn. Một nước đi sau, một doanh nghiệp sinh sau đẻ muộn có thể đuổi kịp, hơn thế, có thể vượt lên nước/doanh nghiệp đã có trình độ phát triển cao hơn nếu biết nắm lấy thời cơ và có chiến lược phát triển đúng đắn.

Giờ đây, quy mô không bằng tốc độ và tư duy mạnh hơn kinh nghiệm đang trở thành quy luật (có tính) phổ quát trong thế giới hiện đại. Việt Nam cũng không nằm ngoài quy luật đó, lại đang trong thời kỳ “dân số vàng”, có lực lượng lao động trẻ, ham học hỏi, có năng khiếu về tư duy toán học, được nhiều nước thừa nhận. Đây chính là những cơ hội to lớn đối với dân tộc Việt Nam.

Thách thức lớn nhất là vượt qua chính mình: Vượt qua sự bảo thủ trong tư duy phát triển, tâm lý tự hài lòng của người tiểu nông, không dám chấp nhận mạo hiểm để khởi nghiệp, đổi mới và sáng tạo; vượt qua toan tính nhiệm kỳ và chủ nghĩa thành tích, tình trạng nói không đi đôi với làm; vượt qua tư tưởng muốn làm đủ thứ dẫn đến phân tán nguồn lực. Rốt cuộc, chúng ta chưa tạo được sản phẩm nào mang thương hiệu Việt.

Phải thay đổi thực trạng này! Chúng ta có khát vọng, có khả năng và cơ hội phát triển. Vấn đề là lựa chọn đúng các lĩnh vực có lợi thế so sánh và tác động lan tỏa cao để định hướng phân bổ nguồn lực.

Nhiều nghiên cứu chỉ ra rằng, Việt Nam có lợi thế để phát triển kinh tế biển, nông nghiệp, du lịch và công nghệ thông tin.

Công nghệ thông tin với khả năng số hóa, tích hợp, kết nối, có tác động lan tỏa cao, đóng vai trò dẫn dắt quá trình chuyển đổi từ kỷ nguyên công nghệ chế tạo sang kỷ nguyên công nghệ cao đang diễn ra mạnh mẽ hiện nay.

Đương nhiên, để phát triển CNTT, chúng ta phải giải quyết một loạt vấn đề từ hạ tầng, chuẩn hóa dữ liệu, tích hợp hệ thống, phát triển nguồn nhân lực, bảo đảm an ninh mạng,vv.. và xây dựng những mô hình ứng dụng trong các lĩnh vực sản xuất và quản lý.

Đấy chính là lý do chủ đề của Diễn đàn cấp cao về Công nghiệ thông tin lần thứ năm lại là: Cách mạng Số - Cơ hội và Thách thức đối với Việt Nam với các tọa đàm chuyên sâu trong một số lĩnh vực cụ thể. Với chủ đề và các tọa đàm chuyên sâu như vậy Diễn đàn muốn trình bày với những nhà lãnh đạo, các doanh nghiệp Việt Nam, trong đó có các doanh nghiệp CNTT những cơ hội và thách thức mà cách mạng số đang đặt ra và giải pháp nào để tận dụng cơ hội, vượt qua thách thức đó. Đồng thời khuyến nghị về những nội dung cấp thiết cần tập trung giả quyết, những lĩnh vực cần triển khai sớm để thúc đây sự phát triển của Việt Nam trong giai đoạn hiện nay.

Trương Đình Tuyển

* Bài này người viết đã báo cáo đề dẫn tại Diễn đàn cấp cao về Công nghệ thông tin lần thứ 5 tổ chức tại Hà Nội ngày 24 tháng 9 năm 2016.

** Người ta cho rằng đây là thời điểm người kỹ sư bắt đầu xuất hiện.